Nhà máy Tinh bột sắn Sơn La: Đổi mới dây chuyền công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất

Trở lại Nhà máy Tinh bột sắn Sơn La ở xã Mường Bon (Mai Sơn), chúng tôi thấy nhiều đổi mới so với những vụ sản xuất trước. Bãi tập kết nguyên liệu hơn 3.000 m2 vừa được đầu tư xây dựng có mái che, bảo đảm xe ô tô tải trọng lớn vận chuyển nguyên liệu ra vào được. Toàn bộ dây chuyền sản xuất cơ bản được tự động hóa, công nhân vận hành tuân thủ về kỹ thuật và đảm bảo an toàn lao động.

Dây chuyền ép sấy bã sắn của Nhà máy tinh bột sắn Sơn La.

Ông Ngô Quang Tuấn, Phó Giám đốc Nhà máy cho biết: Niên vụ năm 2018-2019, nhà máy đã sản xuất và xuất khẩu 12.500 tấn sản phẩm. Để tối ưu hóa sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế tối đa chất thải phát sinh gây ô nhiễm môi trường, Nhà máy đã nghiên cứu cải tiến, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, nâng công suất lên 300 tấn sản phẩm/ngày. Sắn tươi trước khi đưa vào sản xuất đều phải lấy mẫu kiểm tra hàm lượng tinh bột và bảo đảm không để quá 3 ngày từ khi thu hoạch. Nguyên liệu từ bãi tập kết được nạp vào phễu bằng xe xúc, tiếp theo công đoạn rửa, chặt và mài, lọc sữa bột, rồi qua dây chuyền tách dịch bào củ và cô đặc, ly tâm tách nước để có tinh bột ẩm và được sấy khô bằng nguồn nhiệt cấp từ lò đốt biogas để cho ra sản phẩm cuối cùng. Toàn bộ quá trình từ khi nguyên liệu vào đến khi ra sản phẩm mất khoảng 40 phút. Ngoài ra, Nhà máy còn đầu tư hoàn thiện dây chuyền ép sấy bã sắn để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi ở Hà Nam, Bắc Giang.

Tham quan nhà máy, chúng tôi ngạc nhiên bởi sự khác biệt với trước đây, không còn mùi hôi nồng nặc từ vỏ sắn và nước thải. Ông Mùi Xuân Thuấn, Trưởng phòng Kỹ thuật Nhà máy đưa chúng tôi đến khu vực xử lý nước thải. Khu vực này được trồng rất nhiều cây xanh. Toàn bộ khu xử lý nước thải rộng 6 ha, gồm: 3 hồ biogas, 1 mương oxy hóa; 1 bể lắng cát và 1 hồ điều hòa, hồ nén bùn, hồ khử trùng. Ông Mùi Xuân Thuấn thông tin: Trước đây, khi Nhà máy mới được xây dựng, khu xử lý nước thải chưa hoàn thiện, nước thải có mùi hôi thối, khiến người dân trong khu vực bức xúc. Hiện nay, Nhà máy đã đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải theo công nghệ hiện đại, thu hồi khí biogas cung cấp cho hệ thống sấy tinh bột. Nước thải từ các hồ biogas không xả ra môi trường mà được lọc, xử lý ra hồ chứa và bơm ngược lại sử dụng rửa nguyên liệu, góp phần giảm chi phí sản xuất, bảo đảm môi trường, riêng vụ sản xuất năm 2018-2019, Nhà máy đã tiết kiệm chi phí hơn 1,5 tỉ đồng.

Vụ sản xuất năm 2019-2020, dự kiến Nhà máy sẽ thu mua khoảng gần 100.000 tấn sắn tươi cho nông dân, sản xuất 30.000 tấn sản phẩm. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu, Nhà máy đã ký hợp đồng bao tiêu với nông dân các huyện: Thuận Châu, Mường La, Quỳnh Nhai, Mai Sơn, Bắc Yên, Sông Mã và Sốp Cộp. Việc thu mua được thực hiện theo cơ chế thị trường, bằng hình thức nông dân bán trực tiếp cho Nhà máy; đặc biệt là công khai, minh bạch, thanh toán trực tiếp, tạo niềm tin và sự gắn bó giữa nông dân với Nhà máy,  tránh được tình trạng tranh mua, tranh bán và bị thương lái ép giá.

Theo ông Ngô Quang Tuấn, Phó Giám đốc Nhà máy, cùng với đẩy mạnh sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, Nhà máy luôn quan tâm đến công tác an sinh xã hội, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 80 lao động địa phương. Đồng thời, tiếp tục đổi mới dây chuyền, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, sản xuất tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định về bảo vệ môi trường.

Thu Thảo
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới