Nguy cơ mất vệ sinh ATTP từ "thực phẩm online"

Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến việc mua, bán thực phẩm online trên các website, zalo, facebook trở nên nhộn nhịp, tránh cho người mua phải đi chợ, tiếp xúc với nhiều người. Song, vấn đề đặt ra là, chất lượng của những mặt hàng thực phẩm đang được đăng bán công khai trên mạng đã có cơ quan chức năng nào kiểm soát? Điều đó đang tiềm ẩn nguy cơ cao mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Nhộn nhịp chợ thực phẩm online

Chỉ vài cú kích chuột hay gõ 1 cú pháp đơn giản "thực phẩm online", sau vài giây, công cụ tìm kiếm Google sẽ cho khoảng 1.760.000 kết quả về các website, ứng dụng, mạng xã hội (MXH) rao bán thực phẩm trực tuyến. “Lướt” một vòng chợ thực phẩm online, rất dễ dàng tìm thấy bất cứ loại thực phẩm nào mà người tiêu dùng cần mua, từ tươi sống, đông lạnh đến chế biến thành món ăn sẵn, thậm chí cả các món đặc sản ở mọi miền đất nước với giá từ bình dân đến cao cấp.

Các mặt hàng tươi sống và đã chín không được phân loại, để lẫn với nhau...   

Những mặt hàng được rao bán trên mạng xã hội rất đa dạng, phong phú, nhưng không được kiểm soát chất lượng, cũng không ai kiểm tra nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, vì cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát được những tài khoản ảo, kinh doanh tự phát trên không gian mạng. Lợi dụng kẽ hở này, việc bán hàng thực phẩm trên mạng xã hội hiện nay rất phổ biến, ngày càng sôi động; người bán chỉ cần chịu khó đầu tư hình ảnh đẹp, quay clip bắt mắt cùng lời chào mời nhiệt tình, cam kết "bằng miệng" về chất lượng, vị tươi ngon của sản phẩm là có thể vô tư kinh doanh kiếm lời. 

...và các sản phẩm không có nhãn mác, hạn sử dụng, ngày sản xuất tại địa chỉ bán online trên đường Lê Duẩn (Thành phố).

Trong vai người có nhu cầu mua hàng, qua trang "Chợ ăn vặt Sơn La", chúng tôi tìm đến một địa chỉ bán đồ ăn online tại tổ 8, phường Quyết Thắng, chuyên bán trà sữa, trà tranh, chè, bánh bao, bánh mì... có giá trung bình từ 10-15 nghìn đồng/sản phẩm. Trong căn nhà cấp 4 sơ sài, không có bàn ghế, chai lọ nằm ngổn ngang không rõ nhãn mác, nguồn gốc... Khi hỏi đến giấy phép kinh doanh, chủ nhà cho biết: "Đang có dịch bệnh, nên chúng tôi chưa khai trương, nhưng đăng đồ ăn bán onlien, đã có nhiều người biết đến và mua hàng của chúng tôi".

Tại một địa chỉ bán đồ đông lạnh trên Facebook, tủ chứa đồ ăn được đặt cùng không gian với các loại sơn, bột, bả... trên đường Lê Duẩn (Thành phố).

Đến một địa chỉ khác tại đường Nguyễn Lương Bằng (Thành phố), ở đây có nhiều thực phẩm là các loại xúc xích, sủi cảo... tủ đông lạnh đựng đầy ắp thực phẩm nhưng không rõ nhãn mác; thực phẩm sống, chín để ngổn ngang chung một tủ. Nhiều món ăn bày sẵn để khách hàng chọn lựa cũng không được che đậy, chính vì vậy mà những "vị khách không mời" như ruồi, nhặng, bụi bẩn cứ tự nhiên “thưởng thức”. Khi có đơn hàng các món ăn này mới được chủ nhà chế biến trong khu bếp lộn xộn, trên tường loang lổ vết dầu mỡ, trong nồi chiên đầy dầu ăn đã ngả màu đen, khét lẹt. Vậy mà người bán vẫn vô tư chế biến rồi đem giao cho khách.

Đồ dùng, ống hút, các loại chai lọ để ngổn ngang trong nhà tại một địa chỉ bán đồ ăn vặt online trên đường 3/2 (Thành phố).

Liên hệ với một tài khoản facebook chuyên bán đồ ăn đông lạnh, có trên 2.000 người theo dõi. Tìm đến địa chỉ, chúng tôi không khỏi giật mình bởi tủ đông chứa thực phẩm được đặt lẫn với vật liệu xây dựng, như thùng sơn, bột bả... Trong tủ đông đủ các loại nem chua, bánh bao, khoai tây, phô mai, thịt gia cầm sống... tất cả được để lẫn với nhau và đều không có nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng. Khi tỏ ra quan ngại về chất lượng sản phẩm, chủ hàng khẳng định: Đây đều là đồ mới nhập hôm nay, nhà tôi lượng khách mua rất đông, không bao giờ để quá một tuần...!

Sự dễ dãi của thực khách

Trên thực tế, khi mua hàng tại các chợ truyền thống, người tiêu dùng vẫn luôn hoang mang vì thực phẩm “bẩn”, lo sợ thực phẩm có hóa chất nguy hại cho sức khỏe, nhưng nhiều người dễ dãi lựa chọn cách đi chợ online dựa trên sự tin tưởng, hình thức mà người bán hàng quảng cáo như: Nhà làm, nhà trồng, nhà nuôi...

Là khách hàng quen của các trang bán hàng online, chị Đinh Thị Hồng, tổ 8, phường Chiềng Sinh (Thành phố), chia sẻ: Vì công việc bận rộn nên tôi hay lựa chọn các thực phẩm từ người quen trên facebook, chỉ cần vài phút là tìm được thực đơn phong phú, hàng được chuyển đến tận nhà, không mất nhiều thời gian đi chợ, chế biến, rất tiện lợi.

Các loại xiên, xúc xích... không được che đậy cẩn thận tại quán ăn vặt trên đường Nguyễn Lương Bằng (Thành phố).

Còn chị Nguyễn Phương Thảo, tổ 5, phường Quyết Thắng (Thành phố), chia sẻ: Tôi khá hài lòng với phần lớn chất lượng sản phẩm của các sản phẩm mình đặt mua. Tuy nhiên, cũng có lần, mua hoa quả được người giao hàng mang đến, một số quả đã bị dập hỏng, nhưng khi phản ánh với người bán thì không nhận được phản hồi. Lần khác, tôi mua cá biển từ một địa chỉ trên facebook, nhưng khi nhận hàng thì chất lượng cá không được như quảng cáo.

Thực tế, người mua hàng chỉ dựa trên những thông tin, hình ảnh cảm quan và sự tin tưởng với người bán, khi đã nhận hàng và sử dụng, khách hàng mới biết được tình trạng và chất lượng sản phẩm. Không chỉ riêng chị Thảo, nhiều người sau khi nhận được sản phẩm đặt mua online thì chất lượng, mẫu mã cũng không được như lời mời chào của người bán. Khi đó, người mua chỉ có thể ngậm ngùi chịu thiệt và phản ứng bằng cách dừng mua hàng mà không phản hồi với cơ quan chức năng để cảnh báo những người khác. 

Lực lượng chức năng gặp khó?

Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 4 vụ ngộ độc thực phẩm từ 2 người bị trở lên với 208 người bị ngộ độc, nguyên nhân chủ yếu do yếu tố vi sinh, hóa học, độc tố tự nhiên, có nhiều ca không xác định được nguyên nhân. 

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, thông tin: Từ đầu năm, chúng tôi đã thành lập hơn 400 đoàn kiểm tra gần 2.000 cơ sở. Tuy nhiên, các số liệu chưa có các cơ sở kinh doanh trên mạng xã hội, vì không tìm được người mua, bán cụ thể, thậm chí có những thông tin không có thực hoặc các đối tượng không công nhận họ kinh doanh thực phẩm trên mạng; trong khi đó, chúng tôi cũng không đủ thẩm quyền, chức năng kiểm tra nhà riêng. Để giảm thiểu số ca mắc ngộ độc thực phẩm, Chi cục chỉ còn cách đẩy mạnh  tuyên truyền, đã tổ chức 1.389 cuộc với 11.342 lượt người tham gia, tập trung vào nội dung: Lựa chọn thực phẩm đóng gói an toàn, có nguồn gốc xuất xứ; hướng dẫn cách bảo quản và chế biến thực phẩm đúng cách;10 nguyên tắc vàng trong đảm bảo ATTP...

Khu bếp lộn xộn, dầu ăn chuyển sang màu đen kịt sau nhiều lần chế biến tại một điểm bán hàng ăn sẵn trên đường Nguyễn Lương Bằng (Thành phố).         

Còn ông Nguyễn Viết Thông, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết thêm: Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường tỉnh chỉ quản lý hoạt động kinh doanh của các website đã đăng ký với Bộ Công Thương, còn những mặt hàng được cá nhân rao bán trên các trang mạng xã hội thì chưa có chế tài nào cho phép kiểm tra, xử lý, do những cá nhân này không đăng ký kinh doanh. Chủ thể bán hàng là các cơ sở nhỏ lẻ hoặc cá nhân, sử dụng một địa chỉ để giao dịch, nhưng tập kết hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau nên rất khó khăn cho công tác thẩm tra, xác minh, kiểm tra và xử lý vi phạm. Vì vậy, sản phẩm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hay không, địa chỉ kinh doanh của các cá nhân này đều không được xác thực, chất lượng hàng hóa cũng không được bảo đảm. Điều này không chỉ gây thất thoát về nguồn thuế cho Nhà nước, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Các mặt hàng thực phẩm được trưng bày, phân loại theo từng mặt hàng riêng; việc vận chuyển thực phẩm đến tay khách hàng được bảo quản nhiệt độ đúng quy định. 

Ảnh chụp tại siêu thị Vinmart, tầng 2, Vincom Plaza (Thành phố Sơn La).

Qua trao đổi với đại diện Sở Thông tin và Truyền thông, trong thời gian qua, Sở đã nhận được đề nghị của các cơ quan chức năng về việc xác định danh tính, địa chỉ của một số tài khoản mạng xã hội. Tuy nhiên, việc xác định chính xác danh tính, địa chỉ của người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội hoạt động xuyên biên giới, do các nhà cung cấp nước ngoài phát triển, hiện tại chưa thực hiện được do không có sự phối hợp chặt chẽ từ phía nhà cung cấp. Từ thực tế đó, có thể thấy việc quản lý người dùng mạng xã hội nói chung và công tác ngăn chặn, xử lý đối với hành vi lừa đảo bán hàng qua mạng nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Sự phát triển mạnh mẽ của kinh doanh online đem lại lợi ích cho nền kinh tế, thuận lợi cho người bán, người mua. Tuy nhiên, các quy định để quản lý kinh doanh online hiện chưa theo kịp thực tiễn. Để loại hình kinh doanh này thực sự hiệu quả, mang lại lợi ích cho người dân, cần sớm có các quy định pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa trên môi trường điện tử... Nhưng trước hết, khi mua hàng qua các mạng xã hội, người cần tìm hiểu kỹ thông tin về người bán, mua những mặt hàng rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm, tuyệt đối không nên mua ở những Fanpage không có thông tin người bán và không có địa chỉ rõ ràng... để bảo vệ sức khỏe chính mình và người thân.

Toàn tỉnh có 2.086 cơ sở thuộc diện cấp Giấy chứng nhận ATVSTP, tính đến hết tháng 5/2021, đã cấp Giấy chứng nhận ATVSTP cho 1.745 cơ sở. Tuy nhiên, không có cơ sở kinh doanh online nào được cơ quan chức năng cấp Giấy chứng nhận ATVSTP. 

Thủy Lam

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới