Nguy cơ mất an toàn từ thực phẩm chế biến sẵn

Tiện lợi, nhanh chóng, giá cả bình dân, đó là lý do chính khiến nhiều người chọn mua, sử dụng các loại thực phẩm chế biến sẵn được bày bán tràn lan bên lề đường phố, trong các chợ, quán cơm bình dân. Tuy nhiên, các loại thực phẩm này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, có thể gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Sinh viên lựa chọn món ăn tại quán cơm bình dân Thanh Hoa (gần cổng Trường đại học Tây Bắc).

(Ảnh chụp lúc 11 giờ 30 ngày 30/3/2021).

Vào buổi trưa, hoặc xế chiều, tại cổng các trường cao đẳng, đại học, các bệnh viện, nhất là tại các chợ đều dễ dàng bắt gặp việc bày bán đủ các loại thức ăn đã chế biến. Điểm chung đó là thực phẩm bình dân, chế biến đa dạng, khá phù hợp với khẩu vị nhiều người. Chị Lê Thị Hoa, tổ 11, phường Quyết Thắng (Thành phố), cho biết: Công việc bận rộn nên thường ra chợ 7/11 để mua thức ăn chế biến sẵn để tiết kiệm thời gian chế biến. Người bán hàng là người quen nhiều năm nay, nên tôi khá yên tâm.

Tại cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh (tổ 4, phường Chiềng Lề), theo quan sát, ngoài các quán cơm bình dân hai bên đường, còn có hàng chục gánh hàng ăn đã chế biến sẵn bày bán cả ngày tại cạnh cổng phục vụ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Những hộp nhựa đựng thức ăn không được che đậy; người bán hàng không đeo găng tay thản nhiên bốc thức ăn cho vào túi nilon bán cho người mua. Vừa mua thức ăn ở cổng bệnh viện, anh Mùa A Cú, xã Nậm Ty (Sông Mã) đang có con điều trị tại Khoa nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chia sẻ: Nhà ở xa, nên hằng ngày tôi phải mua thức ăn sẵn tại cổng bệnh viện, vừa tiện, giá lại rẻ, chỉ 25 nghìn đồng hai vợ chồng tôi ăn đủ no.

Theo quy định về điều kiện kinh doanh thức ăn đường phố và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, ngoài các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang phục, khay đựng thức ăn, thùng đựng rác... người kinh doanh thức ăn chế biến sẵn phải được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ; thực phẩm chế biến phải có hóa đơn chứng thực nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, phải lưu mẫu thực phẩm trước và sau chế biến. Tuy nhiên, khi được hỏi về những quy định này, nhiều chủ quán ăn chế biến sẵn đều né tránh trả lời. Một chủ quán cơm bình dân gần cổng Trường đại học Tây Bắc thì khẳng định nguồn thực phẩm để chế biến đều lấy ở chỗ có “uy tín” nên đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ khi bán cơm ở đây, không thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra, nhắc nhở phải đi khám sức khỏe hay tập huấn cả.

Thức ăn chế biến sẵn không được che đậy bày bán tại cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh cơ sở 1.

(Ảnh chụp lúc 11 giờ 30 ngày 30/3/2021).

Trên địa bàn Thành phố hiện có 352 cơ sở kinh doanh, hàng quán thức ăn chế biến sẵn, thức ăn đường phố. Năm 2020, đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm đã kiểm tra 239 cơ sở, điểm bán thức ăn chế biến sẵn, xử phạt 3 trường hợp vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Dẫu vậy, năm 2020 và 3 tháng đầu năm 2021, Bệnh Viện Đa khoa tỉnh đã tiếp nhận, điều trị 13 trường hợp có các biểu hiện ngộ độc liên quan đến thức ăn đường phố. Ông Đặng Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Y tế Thành phố, cho biết: Ngoài thanh tra, kiểm tra liên ngành các địa điểm, hàng quán bán đồ ăn chế biến sẵn, thì quan trọng nhất vẫn là người kinh doanh phải tự giác, trách nhiệm và có đạo đức trong việc nhập nguyên liệu và chế biến thực phẩm. Ngoài ra, để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, người tiêu dùng cũng cần tự trang bị cho mình những kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm, cẩn trọng với những quán, hàng ăn chế biến sẵn không đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để hạn chế thấp nhất những tác hại, nguy cơ ngộ độc do thức ăn đường phố, thức ăn chế biến sẵn gây ra, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở, hàng quán vi phạm, nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới