Người vinh dự quay nhiều thước phim về Bác Hồ

Trong dịp dự Hội thi tìm hiểu “Chuyên đề học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Huyện ủy Quỳnh Nhai tổ chức đầu tháng 5, chúng tôi thấy một vị khán giả cao niên theo dõi hết sức chăm chú, cứ sau mỗi câu chuyện kể về Bác do các đội thi thể hiện, ông lại lấy khăn tay thấm mắt. Hỏi ra mới biết ông là Điêu Chính Dụng, nhà quay phim người dân tộc Thái đầu tiên được Ban Biên tập Xưởng phim thời sự - tài liệu Trung ương giai đoạn 1966 - 1971 giao nhiệm vụ thực hiện những thước phim về Bác Hồ.

 

Ông Điêu Chính Dụng (người thứ 3 từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm

cùng Ban tổ chức Hội thi tìm hiểu “Chuyên đề học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”

do Huyện ủy Quỳnh Nhai tổ chức.

Trò chuyện cùng ông, nhà quay phim già chia sẻ: Ông sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Lai Châu (nay là Sơn La). 17 tuổi, vào công tác tại Ty Tuyên truyền tỉnh Lai Châu; đến năm 1961, được cử đi học quay phim. Sau 4 năm đào tạo, được kết nạp Đảng và trở thành phóng viên Xưởng phim thời sự - tài liệu Trung ương, có nhiệm vụ quay phim thời sự và tư liệu tại Phủ Chủ tịch.

Đã vào tuổi 83 (ông sinh năm 1936), nhưng ông Dụng vẫn rất minh mẫn. Trong ký ức của ông, kỷ niệm sâu sắc nhất về Bác Hồ là chiều ngày 1/12/1968, được Ban Biên tập Xưởng phim giao nhiệm vụ quay phim đoàn dũng sỹ thiếu niên miền Nam ra thăm Thủ đô và báo cáo thành tích với Bác và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Phủ Chủ tịch. Ông kể: Vừa nhìn thấy Bác Hồ, cả đoàn dũng sĩ đứng dậy hô to: “Bác Hồ! Bác Hồ muôn năm”. Nghe trưởng đoàn báo cáo xong, Bác nghẹn ngào: “Bác rất thương các cháu, tuổi các cháu là tuổi đang ăn, đang học, vui chơi, thế mà phải làm việc của người lớn, đánh đuổi Mỹ - Ngụy để giành độc lập tự do cho dân tộc”. Trong lúc tôi đang quay hình, bất ngờ Bác lại gần tôi và ân cần hỏi han công việc. Biết tôi làm việc tại Xưởng phim thời sự - tài liệu Trung ương, Bác nhẹ nhàng nói: Bác có mấy ý thế này nhé! Trong công tác nghệ thuật quay phim, chụp ảnh của các cháu không đơn thuần là lưu lại những thước phim lịch sử mà còn làm công tác chính trị tư tưởng và tuyên truyền giáo dục nữa, để nhân dân công nhận, học tập và tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ ném bom bắn phá nước ta cho cả thế giới biết. Lời dặn dò của Bác đã theo tôi suốt chặng đường làm nghề.

Chỉ vào tấm ảnh phóng to của một đội thi, ông Dụng bảo: Đây là tấm ảnh tôi và đoàn quay phim được chụp ảnh chung với Bác Hồ ngày 17/2/1969, khi Bác dự lễ trồng cây tại Bất Bạt, Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay thuộc thành phố Hà Nội). Trồng cây xong, trên đường về nhìn xuống chân đồi thấy đông người, Bác hỏi các đồng chí bảo vệ thì được biết nhân dân, cán bộ và bộ đội biết Bác về đây trồng cây, mọi người đứng chờ từ sáng đến giờ để được nhìn thấy Bác. Tuổi cao, Bác lại đã mệt, nhưng Người bảo phải đi gặp đồng bào xong rồi mới lên xe. Chúng tôi may mắn ghi lại khoảnh khắc quý giá Bác gặp gỡ đồng bào trong tiếng hô vang “Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!” của mọi người. Và, cũng thời điểm này, đoàn quay phim vinh dự được chụp ảnh chung với Bác...

Tới năm 1971, ông Dụng trở về quê hương Quỳnh Nhai và trải qua nhiều vị trí công tác, từ Bí thư Huyện Đoàn, Trưởng phòng Tài chính, rồi Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện ủy. Sau khi được nghỉ chế độ hưu trí, ông được tín nhiệm làm Bí thư chi bộ xóm 3, xã Mường Giàng nhiều năm liền. Đối với ông, dù trải qua nhiều vị trí công tác, nhưng được làm phóng viên quay phim, được gặp Bác Hồ là thời gian đáng tự hào nhất; bài học làm nghề, làm người Bác Hồ dạy mãi in đậm trong tâm trí ông.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới