Người say mê nhạc cụ dân tộc Mông

Ông Vàng A Chư ở bản Tà Phình I, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu được rất nhiều người biết đến, không chỉ thổi khèn hay, cuốn hút, mà còn giỏi chế tác nhiều loại nhạc cụ đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông như: Khèn, sáo, nhị, đàn bầu...

Ông Vàng A Chư kéo nhị mỗi khi có thời gian rảnh rỗi.

Trong ngôi nhà gỗ truyền thống của gia đình, ông Chư treo đủ loại nhạc cụ trên vách. Đó là những chiếc khèn, nhị, sáo... chiếc nào cũng được trau chuốt bóng bảy, đẹp đẽ. Qua câu chuyện với ông Chư, chúng tôi hiểu ông luôn muốn thể hiện tình cảm, tâm tư không chỉ của bản thân mình mà còn là của những người đàn ông Mông thông qua các loại nhạc cụ của dân tộc. Ông Chư bảo ngay từ nhỏ đã yêu thích nhạc cụ dân tộc Mông, dù là đi chăn trâu, bò hay lên nương, xuống ruộng, vào rừng đi săn, ông đều mang bên mình cây đàn môi; khèn hoặc cây sáo trúc. Lớn lên, khi giao lưu cùng bạn bè, ông học hỏi và sử dụng thành thạo thêm một số loại nhạc cụ khác như kéo nhị, gẩy đàn bầu...

Bây giờ thì mỗi khi trong bản có việc, ông Chư đều được bà con trong bản mời đến làm “chí kềnh” (thầy thổi khèn). Theo ông Chư, nhạc cụ Mông có một số loại rất khó làm và muốn thổi cho hay, cho điêu luyện thì mất nhiều thời gian để học. Riêng ông, vì say, vì yêu nhạc cụ dân tộc, nên cứ tự mày mò, rồi học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, nâng tầm lên, thổi hồn vào các loại nhạc cụ, để khi cất tiếng là người nghe như thấy mình trong đó, như được trở về nhà mình... Cũng theo ông Chư, nhạc cụ dân tộc Mông có nhiều loại, kết cấu, âm thanh rất khác nhau, để thổi cho hay, người trình tấu phải hiểu được cấu trúc bên trong của các loại nhạc cụ, phải say mê, yêu thích nó thì mới thuyết phục, thu hút được người nghe. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được nghe ông kéo nhị hoặc thổi khèn, ông vui vẻ kéo nhị, biểu diễn bài hát bằng tiếng Mông “Tình yêu trong sáng” với những giai điệu mượt mà, trầm bổng:

Hỡi em ơi!

Bao năm trời gửi gắm tình thương

Yêu em nhiều nhưng chưa dám nói

Đến chợ tình đi cùng với anh...

Vào những ngày cuối năm, ông Chư ít khi ở nhà, bởi ông luôn được bà con nhờ đi thổi khèn ở nhiều nơi. Thành ra, ông phải khéo sắp xếp thời gian để nhận lời vì ông còn tham gia công tác mặt trận của bản, cùng Ban quản lý bản tuyên truyền, vận động nhân dân làm kinh tế gia đình.

 

Một số loại nhạc cụ dân tộc Mông.

 

Bây giờ, đã cao tuổi, nhưng ông Chư vẫn miệt mài chế tác các loại nhạc cụ dân tộc Mông, với mong muốn các loại nhạc cụ dân tộc sẽ được truyền lại cho lớp trẻ học hỏi, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào Mông.

A Trứ (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới