Người nặng lòng với nhạc cụ dân tộc

Ông Lê Văn Quảng ở tổ 1, phường Chiềng Sinh (Thành phố) được nhiều người biết không chỉ với tài thổi sáo, thổi khèn hay, mà còn chế tác ra rất nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Cũng chẳng phải ngẫu nhiên ông có biệt danh “A Quảng”.

 

Ông Lê Văn Quảng tự chế tác sáo và dạy cách thổi sáo cho các em thiếu nhi.

 

Để “thực mục sở thị” tôi quyết định đến nhà “A Quảng”. Gần tới nơi đã nghe tiếng sáo trầm bổng, da diết thể hiện tác phẩm “Xuân về bản Mông”, hóa ra ông đang dạy thổi sáo Mông cho mấy học trò nhí. Tranh thủ lúc ông cho “học trò” nghỉ giải lao, tôi hỏi chuyện thì được biết quê ông ở tận xã Chi Tiên, huyện Thanh Ba (Phú Thọ). Nhà ông sát ngay sông Hồng. Lúc còn bé mỗi chiều đi chơi cùng chúng bạn trên triền đê, ông đã nghe tiếng sáo diều vi vu, rồi ông mê mẩn cả tiếng sáo từ chương trình nhạc cụ dân tộc của Đài Tiếng nói Việt Nam phát ra trên loa phát thanh... Thế rồi, để thỏa ước có một cây sáo, ông lấy cây sậy, cây trúc để làm. Sau nhiều thất bại rồi ông cũng có được một cây sáo như ý. Với niềm đam mê cây sáo dân tộc, đã giúp ông vượt qua sự thiếu may mắn khi bị tai nạn gẫy chân hồi 7 tuổi.

Chẳng biết có phải do nhân duyên hay không, đến năm lên 10 tuổi, gia đình ông chuyển lên xã Chiềng Pấc, huyện Thuận Châu, vùng rừng núi có rất nhiều cây trúc, vậy là ông càng thả sức cho đam mê làm sáo. Ông đã đi tới rất nhiều bản xa xôi trong tỉnh tìm gặp và học các nghệ nhân chơi và làm nhạc cụ dân tộc để tích lũy thêm kinh nghiệm. Đến năm 1999, gia đình ông chuyển về phường Chiềng Sinh (Thành phố) sinh sống, ở đây ngoài chế tác các loại sáo, ông còn mở các lớp dạy thổi sáo miễn phí cho các em thiếu nhi trong tỉnh vào các dịp hè hằng năm. Ông bảo, không chính xác lắm nhưng đã dạy sáo Mông cho khoảng 200 em. Nhiều học trò của ông đã thành tài như em Thào A Tùng, Mùa A Do ở huyện Bắc Yên từng đoạt nhiều giải tại các cuộc thi tài năng cấp huyện, tỉnh và khu vực. Hiện nay, 2 em đang học tại Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch tỉnh. Theo nghiệp cha, con trai ông cũng đã tốt nghiệp chuyên ngành nhạc cụ dân tộc của Trường Đại học Văn hóa - nghệ thuật quân đội. Được hỏi về việc chỉ dạy của thầy, em Mùa A Nênh, ở bản Suối Háo, xã Hồng Ngài (Bắc Yên) chia sẻ: Em đã học thầy được 2 kỳ nghỉ hè rồi, thầy không chỉ truyền đạt cho chúng em những kỹ năng cơ bản về nhạc cụ dân tộc, mà còn truyền cả niềm đam mê về cách thổi sáo, cách chế tác các nhạc cụ dân tộc, cách giữ âm thanh trong trẻo, thánh thót của sáo, tiếng vang vọng, ngân nga của khèn... Bây giời, em đã có thể thổi được nhiều bài, vừa rồi em còn biểu diễn sáo Mông tại tổng kết năm học của trường.

Nhiều năm chế tác sáo, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc chế tác sáo, khèn, pí. Để tạo âm thanh ngọt ngào, độ chính xác của từng nốt nhạc ông căn chỉnh bằng đồng hồ điện tử, nhờ đó cây sáo có thể thể hiện được nhiều thể loại, nhưng vẫn giữ được những thanh âm truyền thống. Ngôi nhà của ông trở thành địa chỉ quen thuộc của rất nhiều sinh viên đam mê thổi sáo của Trường Đại học Tây Bắc, Cao đẳng Sơn La và nhiều người dân Thành phố và các huyện trong tỉnh. Hiện nay, trung bình mỗi năm ông chế tác, bán ra thị trường khoảng 2.000 chiếc sáo, khèn của dân tộc Mông, sáo (pí) của dân tộc Thái.

Chế tác và sử dụng thành thạo được các loại nhạc cụ dân tộc, điều mà ông Quảng trăn trở, khi hiện nay những người sử dụng và làm ra các sản phẩm nhạc cụ dân tộc ngày càng ít, trong khi thế hệ trẻ lại ít quan tâm đến nhạc cụ dân tộc. Mong muốn của ông là làm sao lưu giữ và truyền đạt cho thế hệ trẻ hiểu và yêu thích nhạc cụ dân tộc đồng bào Thái, Mông. Với những đóng góp lặng thầm, ông đã được Hiệp hội làng nghề Việt Nam tặng Bằng khen về thành tích phát triển nghề thủ công truyền thống (năm 2013); Giấy khen của Ban tổ chức chương trình “Sắc màu Tây Bắc” tại Hà Nội (năm 2014); Huy chương Vàng tiết mục “Xuân về bản Mông” tại Hội thi Tiếng hát người khuyết tật khu vực miền Bắc; Huy chương Vàng Hội thi Tiếng hát người khuyết tật “Những trái tim khát vọng” toàn quốc năm 2014...

Say mê tìm tòi, nghiên cứu, sáng chế để khôi phục các loại nhạc cụ dân tộc, “A Quảng” đã và đang góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc, để nhạc cụ dân tộc trường tồn mãi với thời gian.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới