Người mang biệt danh “Khánh nhím”

Tôi và anh quen biết nhau đã lâu và tôi quý anh bởi cái tính thẳng thắn, nói là làm. Thật tình cờ, trong buổi giao lưu “Vang mãi bài ca năm tấn” do Báo Thái Bình tổ chức tại thành phố Thái Bình hồi trung tuần tháng 10, chúng tôi được gặp lại nhau. Anh Khánh là khách đặc biệt được mời đến giao lưu để chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm làm kinh tế, nhất là lĩnh vực phát triển nông nghiệp; cũng bởi anh là người từ quê hương Thái Bình lên Sơn La lập nghiệp và đã gặt hái những thành công.

 

Anh Đào Duy Khánh (bên trái) hướng dẫn công nhân kỹ thuật chăm sóc nho Hạ Đen.

Theo lời hẹn, tôi đến thăm anh tại Nhà hàng sinh thái Duy Khánh (tổ 3, phường Chiềng Sinh, Thành phố), cũng là nơi anh bắt đầu khởi nghiệp. Ở cái tuổi ngoài 50, nhưng trông anh vẫn khá trẻ trung và tràn đầy nhiệt huyết. Cái lạnh đầu đông khiến chén chè nóng như đậm vị hơn. Anh tên đầy đủ là Đào Duy Khánh, sinh năm 1967, ở làng Tịnh Xuyên, xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Năm 1978, anh theo gia đình lên thị xã Sơn La (nay là thành phố Sơn La) xây dựng kinh tế mới. Trong ký ức của anh, ngày đó thị xã Sơn La dân thưa thớt, phố xá ít có nhà cao tầng. Thời gian cứ thế trôi đi, anh Khánh học cấp 2, 3, rồi thi đỗ vào Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, sau khi tốt nghiệp với tấm bằng Kỹ sư nông nghiệp, cơ hội trở về “quê lúa” làm việc rộng mở, khi đó có nhiều công ty, đơn vị nhận anh vào làm, nhưng vì tình yêu, khao khát cống hiến đã kéo anh quay về Sơn La làm việc. Và từ đó tới nay, trải qua bao thăng trầm, sau nhiều lần thất bại, vấp ngã, giờ đây anh đã thành công với con đường mình đã lựa chọn.

Hỏi về biệt danh “Khánh nhím”, anh cười hiền: Thời điểm 2003 - 2005, Sơn La có phong trào nuôi nhím, vậy là tôi quyết định đầu tư xây chuồng, mua nhím giống về nuôi. Thời kỳ cao điểm, đàn nhím của gia đình tôi lên tới hơn 100 đôi nhím bố mẹ, trị giá cả tỷ đồng; tôi vừa nuôi vừa nhân giống cung cấp cho người nuôi có nhu cầu. Chắc bởi vậy nên tôi hân hạnh mang biệt danh “Khánh nhím” do mọi người đặt cho.

Thế nhưng phong trào nuôi nhím cũng chỉ bùng lên một thời gian, nhận thấy nuôi nhím không phải là hướng phát triển ổn định, anh chuyển hướng kinh doanh nhà hàng sinh thái, tiếp đó là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - ước mơ ấp ủ của người kỹ sư nông nghiệp - cho dù những kiến thức học được từ trường lớp và thực tế đời sống không hoàn toàn giống nhau. Vừa chuyện trò, trao đổi, anh vừa dẫn tôi đi tham quan trang trại trồng cây và chăn nuôi của gia đình tại khu vực bản Híp, xã Chiềng Ngần. Khoát tay chỉ tổng thể khu trang trại rộng 12 ha được thiết kế quy mô gồm nhiều loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, anh bảo: Trang trại là hiện thực hóa ước mơ ấp ủ bao lâu nay của mình. Ở đây có gần như đủ loại cây trồng, vật nuôi mới.

Câu chuyện cứ cuốn hút rồi đưa chân anh em tôi tới khu nhà lưới trồng giống nho Hạ Đen. Vốn say sưa với các loại cây trồng có gen quý hiếm, anh Khánh sang tận Trường Đại học Nông nghiệp Quế Lâm (Trung Quốc) hợp đồng chuyển giao giống nho Hạ Đen về trồng. Nguồn hàng sau thu hoạch dự kiến sẽ xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Chỉ vào chùm nho sai trĩu quả, anh nhỏ nhẹ: Làm nông nghiệp phải thực sự có tâm và am hiểu. Để có được những luống nho này, mình phải chi hơn 300 triệu đồng thuê chuyên gia Trung Quốc sang trang trại một năm để hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc nho. Bình thường một năm, nho chỉ cho 1 lứa quả, còn ở đây nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, một năm cho 2 lứa quả, trồng gối vụ nên chúng tôi có nho bán quanh năm.

Rời vườn nho với những chùm trái chín ngọt, chúng tôi sang khu trại nuôi ngựa bạch. Những chú “bạch mã” béo tốt như nói thay những nỗ lực không biết mệt mỏi của anh. Để phát triển giống ngựa bạch, anh Khánh cất công đi các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang tìm nguồn giống và học hỏi kỹ thuật chăn nuôi. Đàn ngựa bạch của anh hiện có trên 60 con; ngoài nuôi thương phẩm, anh còn nhân thành công giống ngựa bạch để đáp ứng nhu cầu người nuôi. Trang trại ngựa bạch của anh vẫn đang trong thời gian nuôi thí điểm, chỉ mới bắt đầu từ tháng 2/2017, nhưng đã đem lại doanh thu khá. Một “cô” ngựa bạch giống nhỏ cũng có giá 35 - 45 triệu đồng; loại ngựa thành phẩm khoảng 75 triệu đồng/con. Được biết, giá thịt ngựa bạch rất đắt, khoảng 350.000 đồng/kg, giò ngựa bạch thì tới hơn 500.000 đồng/kg. Chưa kể cao ngựa bạch rất được ưa chuộng, với chừng 12 triệu đồng/kg. Đặc biệt hơn, trang trại ngựa bạch của anh là đầu tiên trên đất Sơn La. Tất nhiên, ngoài ngựa bạch, anh còn tổ chức nuôi bò thương phẩm, chăn nuôi các loại gia súc khác như dê, cừu, lợn rừng...

Hiện, anh Khánh đã thành lập Công ty CP Thương mại Duy Khánh, vừa cung cấp giống, vừa thu mua sản phẩm nông nghiệp giúp bà con nông dân; chọn nhập các loại cây giống mới, lưu giữ những giống cây bản địa; tìm kiếm và lưu giữ những giống cây quý, nguồn gen quý hiếm về trồng khảo nghiệm. Anh Khánh chia sẻ: Tổng đầu tư vào trang trại của tôi khoảng 40 tỷ đồng. Chúng tôi duy trì khoảng 30 công nhân làm việc thường xuyên. Trong số này, 4 kỹ sư nông nghiệp, 4 cao đẳng, trung cấp, còn lại là lao động địa phương, mức lương bình quân công nhân ở đây từ khoảng 6 - 12 triệu đồng/người/tháng. Chúng tôi hiện có một khu chuyên bán các loại giống cây ăn quả: Xoài, nhãn, bưởi da xanh, cam, ổi, bơ, mít... Năm 2018, Công ty đã cung cấp ra thị trường trên 10 vạn cây giống các loại; đồng thời, kiêm công tác chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật...

 

 

Khu nuôi ngựa bạch của anh Đào Duy Khánh.

 

Thành công trong nông nghiệp, anh Khánh luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với mọi người, anh tham gia Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố, nơi các doanh nhân thường xuyên chia sẻ, liên kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Với những đóng góp cho sự phát triển của nông nghiệp tỉnh nhà, nhất là việc tích cực tham gia vào thực hiện chủ trương của tỉnh về trồng cây ăn quả trên đất dốc, anh Khánh nhiều lần được tỉnh Sơn La tặng Bằng khen, UBND thành phố tặng Giấy khen. Đối với anh, đây là món quà tinh thần giúp anh có thêm động lực để đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội.

Với tấm lòng luôn hướng về quê hương, mỗi lần về quê, đi dọc triền đê ngắm nhìn đàn bò thong dong gặm cỏ, anh Khánh lại mong muốn có cơ hội được đóng góp công sức chuyển giao giống bò lai Sind, lai Brahman nhập khẩu 3/4 máu ngoại thuần chủng chất lượng cao ở Sơn La để bổ sung và làm phong phú cho các đàn bò của người dân Thái Bình, góp phần thực hiện chuyển đổi giống vật nuôi theo chủ trương của tỉnh Thái Bình khi đàn lợn sụt giảm do bệnh dịch tả lợn châu Phi... Và cũng trong buổi giao lưu với sự góp mặt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thái Bình, anh Khánh khẳng định sẵn sàng giúp tỉnh Thái Bình về giống, kỹ thuật để phát triển đàn bò, tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân.

Chàng trai “quê lúa” với hành trình lập nghiệp đã làm nên nhiều thành công, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp mà anh đang theo đuổi. Với tâm huyết và “độ chín” của một doanh nhân thành đạt, anh Khánh thực sự là tấm gương, tiếp thêm ý tưởng đưa thương hiệu và nông sản của Sơn La khẳng định vị trí trên thị trường trong và ngoài nước.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới