Người giữ hồn nhạc cụ dân tộc Thái

Từ lâu, chiếc khèn bè đã gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Thái ở vùng Tây Bắc nói chung và đồng bào Thái Yên Châu nói riêng. Những làn điệu mượt mà, say đắm của khèn bè đã tạo nên nét đặc trưng văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất của đồng bào nơi đây. Ông Lừ Hồng Sưa, bản Tủm, xã Chiềng Khoi là một trong số ít người có khả năng chế tác, sử dụng khèn bè và thể hiện những bài khèn cổ của dân tộc Thái trên địa bàn huyện Yên Châu. Gần 60 năm qua, ông vẫn miệt mài nghiên cứu, chế tác khèn bè với mong muốn bảo tồn và phát huy giá trị những nhạc cụ dân tộc.

Ông Lừ Hồng Sưa kiểm tra chất lượng cây khèn bè.

Dưới hiên của căn nhà sàn nhỏ đơn sơ, nhuốm màu của thời gian, ông Lừ Hồng Sưa dù tuổi đã ngoài 80, mái tóc bạc trắng, nhưng đôi tay vẫn chắc khỏe đang cặm cụi chế tác những cây khèn bè. Bên cạnh ông ngổn ngang những ống nứa và các vật dụng mà chỉ riêng ông mới gọi được tên, cũng như hiểu rõ công năng của chúng trong quá trình chế tác. Khi biết chúng tôi tới thăm, tìm hiểu, ông tỏ ra ngạc nhiên xen lẫn niềm vui bởi có khách quan tâm đến tìm hiểu, nghe kể về văn hóa dân tộc, đặc biệt là nhạc cụ khèn bè của người Thái. Chia sẻ cái duyên đến với cây khèn bè và gắn bó với nó như một phần không thể thiếu trong cuộc đời, ông kể: Thuở nhỏ, mỗi lần theo anh trai xuống núi đi chợ phiên, chơi hội, tiếng khèn đã mê hoặc, hằn sâu vào tâm trí. Ngày ấy, trong xã không có ai làm khèn để bán, phải xuống tận xã Chiềng Đông để mua chiếc khèn, nhưng sau một thời gian sử dụng, khèn lại bị hỏng. Ngày đó, do giao thông đi lại khó khăn nên đến được địa điểm mua khèn không dễ, ông liền tự ngồi tháo tung cây khèn ra, xem xét rồi mày mò nghiên cứu, tự sửa. May mắn là đã thành công, tiếng khèn phát ra, theo ông, thậm chí còn hay hơn lúc ban đầu. Từ đó, ông bắt đầu say mê, yêu thích khèn bè, tự đi khắp nơi lắng nghe những bài khắp của đồng bào Thái, rồi tự học và thổi khèn theo bài hát. Càng thổi càng thích, càng làm khèn càng thấy mê, ông gắn bó với cây khèn từ bấy đến giờ.

Được biết, khèn bè làm từ cây nứa, bao gồm một tẩu thổi và 14 ống nứa chập thành 7 đôi, mỗi đôi có độ dài khác nhau và kết lại thành bè theo hình bậc thang, do đó, tên gọi khèn bè cũng được bắt nguồn từ đây. Để làm ra một cây khèn bè, ông Sưa lên rừng chọn những cây nứa nhỏ, ít mấu về phơi nắng từ 15 - 20 ngày. Sau khi cây nứa chuyển sang màu vàng, thì mới bắt đầu cắt theo kích cỡ từ 80 cm-1m, tùy theo yêu cầu khách hàng. Sau đó, dùng mũi khoan để thông các đốt. Cách đáy khoảng 20 cm là trục bằng gỗ, dài 11cm, khoét miệng thổi và 2 rãnh nhỏ hẹp dài 1cm ngăn đôi giữa 2 bè. Lưỡi sáo của 2 bè cùng hướng vào nhau, thông với miệng khèn, bên ngoài trục thổi được bịt kín sáp ong đá.

Theo ông Sưa, để có được cây khèn bè hoàn chỉnh phải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mẩn, chính xác trong khi làm cũng như sự tinh tường trong thẩm âm, từ chọn ống, đến dùi lỗ ghép thành khèn. Một trong những công đoạn khó nhất khi làm khèn bè là cách xử lý các lưỡi khèn. Lưỡi khèn có 3 cỡ, phải làm bằng đồng và bạc nguyên chất mới bền, khi có đủ các nguyên liệu phải mất thời gian 2 ngày mới làm ra được một chiếc khèn. Gần 60 năm đam mê, tâm huyết với khèn bè, đến nay ông Sưa đã làm ra gần 1.500 chiếc.

Say sưa với văn hóa dân tộc, mỗi khi gặp những người có cùng niềm đam mê sưu tầm, chế tác nhạc cụ dân tộc Thái và muốn học hỏi, ông đều tận tình truyền dạy. Đến nay tuy tuổi đã cao, nhưng ông vẫn thường xuyên dạy cách làm khèn và sử dụng khèn cho các con cháu trong dòng họ, cho người dân trong bản, xã. Đồng thời, tham gia các buổi văn nghệ, các hội diễn nghệ thuật quần chúng của huyện, xã. Những bài hát dân ca Thái được ông thể hiện bằng khèn bè đều được khán giả trong huyện yêu thích.

Với những đóng góp xuất sắc trong gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, năm 2015, ông Lừ Hồng Sưa đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và nhiều danh hiệu khác: Nghệ nhân loại hình tri thức dân gian, Nghệ nhân trình diễn dân gian, cùng nhiều giải thưởng tham gia các cuộc thi, liên hoan cấp tỉnh, khu vực tổ chức. Đây là sự ghi nhận những cống hiến không mệt mỏi, từ sự lao động hăng say và tâm huyết với nền văn hóa dân tộc, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Thái.

Thanh Huyền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới