Người “giữ hồn” nhạc cụ dân tộc

Nhiều năm nay, ông Tòng Văn Hỏa, bản Cóong Nọi, phường Chiềng Cơi (Thành phố) luôn miệt mài với cây đàn nhị và đàn tính tẩu, truyền thụ những âm điệu độc đáo cho thế hệ trẻ, với mong muốn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được lưu giữ và phát triển.

 

Ông Tòng Văn Hỏa, bản Cóong Nọi, phường Chiềng Cơi (Thành phố) dạy cháu kéo đàn.

Nói về niềm say mê nhạc cụ dân tộc, ông Hỏa nhớ lại: Hồi nhỏ, mỗi lần chúng tôi đi chăn trâu, anh họ của tôi thường chơi đàn nhị cho tôi nghe. Từ đó, tôi đã yêu thích đàn nhị và muốn học đàn. Tôi đã tìm cây nứa, cây tre về làm đàn và học kéo những bài hát của đồng bào dân tộc Thái. Tuy nhiên, đàn làm bằng tre, tiếng đàn không trong và vang, sau đó, tôi tự mày mò thử làm đàn bằng gỗ, tiếng đàn hay hơn và vang hơn. Năm 1984, xã thành lập đội văn nghệ của hợp tác xã, tôi được tín nhiệm làm đội trưởng. 7 năm sau, tôi được cử đi học lớp chuyển giao công nghệ sản xuất nhạc cụ dân tộc tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Sơn La (nay là Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch).

Theo ông Hỏa, để có cây đàn đẹp, âm thanh hay, khi chế tác đàn đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo, cầu kỳ. Cấu tạo đàn nhị gồm: Ống nhị, cần nhị, trục dây, cử nhị và cung vĩ. Ống nhị được làm bằng gỗ cứng, dài khoảng 13 cm, một đầu được bịt kín bằng da con cóc, đầu còn lại đục thành nhiều lỗ nhỏ để âm thanh thoát ra, đây là bộ phận có tác dụng khuếch đại âm thanh của đàn. Cần nhị (cán nhị) dài 80 cm, được cắm xuyên qua ống nhị. Có 2 trục dây, được gắn xuyên qua cần nhị và nằm cùng hướng với ống nhị, để dây căng hoặc chùng, tạo âm cao hay trầm bằng cách vặn trục dây. Có 2 dây nhị, được làm bằng dây cước, dây lớn nằm trong và dây nhỏ nằm ngoài, cho âm thanh mềm mại, dịu dàng...

Đàn tính tẩu có 3 bộ phận chính: Bầu vang, cần đàn và dây đàn. Bầu vang được làm bằng nửa quả bầu, lựa chọn bầu già, lấy về phải cắt bỏ phần trên, lấy ruột ra và ngâm nước 1 tuần rồi rửa sạch, phơi khô, sau đó ngâm vôi khoảng 2 - 3 ngày để không bị mọt. Kích cỡ tùy theo quả bầu lớn hay nhỏ (đường kính từ 15 đến 25 cm), để có độ vang, âm sắc chuẩn người ta thường chọn quả bầu tròn và dày đều để làm bầu vang. Mặt đàn thường làm bằng gỗ cây ngô đồng xẻ mỏng và được khoét 2 lỗ nhỏ để thoát âm. Cần đàn được làm bằng gỗ nhẹ và thẳng (dài khoảng 1,3 m), phần dưới của cần đàn xuyên qua bầu vang, còn phần trên cùng là đầu đàn uốn cong hình lưỡi liềm và có 2 dây đàn làm bằng dây cước...

Mỗi năm, ông Hỏa chế tác được từ 400 - 500 chiếc đàn nhị và đàn tính tẩu. Mỗi chiếc đàn đều chứa đựng nhiều tâm huyết, tình cảm của ông và cũng là để lưu giữ giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc. Đàn của ông được bán cho những người có nhu cầu trong bản, trong xã hoặc khách du lịch, với giá 350 nghìn đồng/chiếc. Cầm cây đàn trên tay, ông Hỏa nói: Muốn có được cây đàn tốt, thanh âm chuẩn thì người thợ phải biết hát các điệu then, những quãng âm cơ bản. Sau khi hoàn thiện cây đàn, tôi lại kéo một điệu then và hát để kiểm tra chất lượng âm thanh của đàn.

Từ năm 2000 đến nay, ông Hỏa đều tham gia hội diễn văn nghệ quần chúng của tỉnh, nhiều lần đi trình diễn trong tỉnh và ngoài tỉnh. Ông còn được Trung tâm Văn hóa tỉnh mời về dạy nhạc cụ dân tộc, học viên là người ở các xã, phường trên địa bàn. Yêu âm nhạc và mong muốn nhạc cụ dân tộc không bị mai một, ông Hỏa ấp ủ mở một lớp dạy nhạc cụ dân tộc tại nhà, để truyền thụ cho giới trẻ những âm điệu độc đáo, những nét đẹp văn hóa dân tộc, khơi dậy ngọn lửa đam mê âm nhạc dân tộc của con cháu trong gia đình và lớp trẻ trong bản, trong xã.

Với sự đam mê, tâm huyết trong bảo tồn văn hóa và những đóng góp cho cộng đồng, năm 2012, ông Tòng Văn Hỏa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Giấy khen về thành tích xuất sắc trong 20 năm xây dựng Đội văn nghệ quần chúng tỉnh Sơn La; tháng 3 năm 2019, được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, Nghệ thuật trình diễn dân gian tỉnh Sơn La và cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc...

Hạnh Vi
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới