Người có giấy báo tử trở về

Đó là trường hợp của thương binh hạng 4/4, cựu chiến binh, hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh chuyên ngành thơ, nhiếp ảnh Hoàng Việt Thắng, hiện đang cư trú tại tổ 4, phường Chiềng Lề (thành phố Sơn La).

CCB Hoàng Việt Thắng (bên trái) kể chuyện chiến trường xưa.

Trước khi đặt vấn đề viết về anh, chị Nhẫn (vợ anh Thắng) can ngăn: “Thôi, viết làm gì, còn bao đồng đội của anh vẫn còn nằm lại chiến trường kia kìa...?” Thế nhưng, với trách nhiệm của một người lính, anh Thắng quyết định kể cho tôi về nguyên nhân anh “đã hy sinh” mà vẫn bình an trở về.

Anh Hoàng Việt Thắng sinh năm 1947 tại Cát Trù, Cẩm Khê (Phú Thọ). Bố anh là liệt sỹ chống Pháp. Sau đó, anh được ông chú ruột đưa lên Sơn La nuôi ăn học, tốt nghiệp trung cấp y dược, anh được nhận vào công tác tại Trường Trung cấp y tế, khu tự trị Tây Bắc. Là con liệt sỹ, nhưng với truyền thống cách mạng, anh đã tình nguyện viết đơn bằng máu, bỏ thêm gạch vào túi quần để đủ cân nặng xin lên đường nhập ngũ. Tháng 5 năm 1971, anh được gọi lên đường nhập ngũ tại đơn vị A10, B8, C2, D371 Quân khu Tây Bắc. Sau huấn luyện, tháng 11 năm 1971 anh được vào Nam chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Tại đây, đơn vị anh đã anh dũng chiến đấu với địch và anh bị thương phải chuyển ra hậu cứ để điều trị. Sau hơn 20 ngày điều trị, dưỡng thương, anh trở lại đơn vị, nhưng đơn vị đã di chuyển sang mặt trận khác, nên anh đã mất liên lạc với đơn vị.

Quay lại hậu cứ, anh được cấp trên điều sang đơn vị C3 Độc Lập đóng tại Nam Lào có nhiệm vụ chặn đường lui của địch trên mặt trận đường 9; tháng 10 năm 1972, đơn vị được lệnh tiến lên phía bắc rồi tham gia Đoàn chuyên gia quân sự U Đôm Xay (Bắc Lào); tháng 11 năm 1973 đến tháng 5 năm 1974, đơn vị anh được tăng cường chiến đấu tại mặt trận Bình Phước, Bình Long, Bà Rịa - Vũng Tàu. Tại đây, anh cùng đơn vị tiếp tục chiến đấu quyết tử với địch, rồi anh tiếp tục bị thương lần hai, lần ba, phải chuyển ra tuyến sau điều trị. Đã hơn 2 năm trôi qua, chiến trận ngày càng khốc liệt, đơn vị cũ không nhận được bất cứ thông tin gì về chiến sĩ Hoàng Việt Thắng, nên đến tháng 10 năm 1973, đơn vị chính thức làm giấy báo tử về với gia đình kèm theo vật chứng là ba lô quân tư trang của anh. Còn anh, sau lần bị thương lần ba, phải ra điều trị ở tuyến sau, sức khỏe không còn đủ tham gia chiến đấu, đơn vị mới đã quyết định cho anh ra quân vào tháng 6 năm 1974.

Ở địa phương khi nhận được giấy báo tử của anh, gia đình, họ hàng nén đau thương và lập bàn thờ thắp hương cho anh. Gần 1 năm hương khói, bỗng dưng cuối tháng 6 năm 1974, anh đã trở về như trong chuyện cổ tích dưới sự chứng kiến đầy bất ngờ, vui mừng khôn xiết của gia đình, người thân và bè bạn. Anh Thắng nhớ lại: “Khi về đến nhà, bà nội mắt đã mờ, không tin cháu nội của bà còn sống đã cố quờ tay xoa đầu, sờ mặt, nắn vai thấy đúng người đối diện bằng xương, bằng thịt thật, nhưng bà vẫn sinh nghi và thốt lên rằng: “Mày là người hay là ma, từ đâu tới...”. Rồi bà rưng rưng nước mắt! Thấy vậy, tôi phải giải thích, kể tên cha mẹ, anh em, họ hàng mình là ai thì bà mới tin.

Cuối năm 1974, anh được tiếp nhận trở lại công tác tại Trường Trung cấp Y tế Khu tự trị Tây Bắc và tiếp tục học thêm bổ túc văn hóa, tốt nghiệp cấp III rồi vào học đại học Y khoa Bắc Thái. Thế nhưng, đang học tại Trường Đại học Y khoa Bắc Thái thì xảy ra chiến tranh ở biên giới phía Bắc. Năm 1978, anh tiếp tục lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu tại mặt trận Hà Giang, đến cuối năm 1979, anh được về tiếp tục theo học ngành y, đến năm 1982 ra trường về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, là bác sỹ khoa ngoại, đến năm 1993 được nghỉ hưu. Anh đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba; Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba; Huy chương chiến sĩ giải phóng; Huy chương kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; cùng nhiều bằng khen, kỷ niệm chương của tỉnh, của nước CHDCND Lào.

Về với đời thường, đáng lẽ dành thời gian để nghỉ ngơi, nhưng bén duyên với nghiệp văn chương, với nhiều tác phẩm thơ do anh sáng tác về những kỷ niệm trong quân ngũ, tình yêu quê hương, đất nước được đăng trên tạp chí Suối Reo. Năm 2003 anh được kết nạp vào làm hội viên Hội Liên hiệp VHNT tỉnh chuyên ngành văn thơ; năm 2008 được kết nạp hội viên Hội VHNT các DTTS Việt Nam; năm 2012 tiếp tục được kết nạp vào làm hội viên chuyên ngành nhiếp ảnh; được hội viên tín nhiệm bầu làm Trưởng ban kiểm tra Hội Liên hiệp VHNT tỉnh 2 nhiệm kỳ liền (2010-2014 và 2014-2018).

 Hơn 10 năm tham gia lĩnh vực VHNT, anh đã sáng tác hơn 500 bài thơ, xuất bản 2 tập thơ và hàng trăm bức ảnh có giá trị nghệ thuật cao; có 4 bài thơ được các nhạc sỹ chọn phổ nhạc thành bài hát mang đậm chất văn hóa các dân tộc Tây Bắc.

Đến nay, mặc dù đã bước sang tuổi 70, Anh bảo: “Còn sức, còn nhiệt huyết, còn viết! Hiện ngoài việc tiếp tục tham gia đầy đủ các đợt mở trại sáng tác chuyên ngành; gương mẫu trong hoạt động của Hội và chi hội, anh còn dành tâm huyết viết trường ca kể về những trận chiến đấu gian khổ, hy sinh và oanh liệt của đơn vị những năm tháng chiến đấu tại chiến trường B, C, nhất là những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị khói lửa.

Hy vọng, “người có giấy báo tử trở về” sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp VHNT, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển của tỉnh.


 

Anh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới