Người cao tuổi tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới

Phát huy tinh thần “Tuổi cao, gương sáng”, thời gian qua, người cao tuổi trong tỉnh đã tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, gương mẫu hiến đất, đóng góp ngày công lao động, vật chất để bê tông hóa các tuyến đường giao thông nông thôn và công trình phúc lợi khác; tích cực trong sản xuất, kinh doanh, thực sự là tấm gương sáng cho con cháu noi theo.

Người cao tuổi bản Nậm Nghẹp, xã Ngọc Chiến (Mường La)

nhắc nhở con cháu tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương.

Chiềng Khương là xã đầu tiên của huyện Sông Mã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, người cao tuổi đã phát huy vai trò, uy tín của mình làm tốt công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đảm bảo các tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Ông Quàng Văn Ban, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Chiềng Khương, thông tin: Hội Người cao tuổi xã đã phát động phong trào “Người cao tuổi gương mẫu đi đầu, vận động con cháu hiến đất, chặt cây, góp công sức, tiền của để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới”. Các chi hội người cao tuổi tổ chức họp bàn, thống nhất mức đóng góp, được hội viên đồng tình ủng hộ cao. Kết quả, đã huy động hội viên đóng góp 2.265 ngày công, chặt bỏ 631 cây lâu năm, hiến 12.161 m² đất và trên 1,1 tỷ đồng tiền mặt, để tham gia bê tông 62 tuyến đường nội bản, chiều dài gần 20 km.

Để triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền; phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho người cao tuổi về phong trào xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới và điều kiện thực tiễn, Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh đã xác định nội dung và hướng dẫn các cấp hội gộp các tiêu chí nông thôn mới thành các nhóm tiêu chí để người cao tuổi dễ tham gia thực hiện, như: Gộp tiêu chí số 2 về giao thông và tiêu chí số 3 về thủy lợi, vận động hội viên hiến đất, chặt cây cối, hoa màu, giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn và xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Gộp tiêu chí thứ 9 về nhà ở dân cư và tiêu chí 11 về lao động có việc làm, hội viên tập trung phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo và hỗ trợ xóa nhà tạm dột nát. Đối với các tiêu chí số 14 về giáo dục đào tạo, tiêu chí số 16 về văn hóa và tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm, người cao tuổi gương mẫu, tuyên truyền vận động con, cháu không mắc tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự, tham gia tổ hòa giải ở cơ sở nhằm xây dựng gia đình, bản, tiểu khu văn hóa... Ngoài ra, người cao tuổi còn trực tiếp tham gia quy hoạch nông thôn mới hoặc tham gia các ban giám sát đầu tư cộng đồng tại địa phương. Từ năm 2011 đến nay, đã có gần 5.500 người cao tuổi được bầu tham gia các ban vận động, gần 1.000 người tham gia các ban giám sát đầu tư cộng đồng và hơn 15.500 người cao tuổi tham gia ban quản lý môi trường, quản lý văn hóa cơ sở; gần 59% số hội viên người cao tuổi được tham gia các lớp tập huấn về xây dựng nông thôn mới. Vận dụng sáng tạo những kiến thức được tuyên truyền, tập huấn, trong 8 năm (2011-2018), Hội người cao tuổi các cấp đã làm tốt công tác huy động xã hội hóa, vận động hội viên hiến 352.000 m2 đất, đóng góp 294.000 ngày công lao động, 39 tỷ đồng làm đường giao thông và các công trình phúc lợi xã hội khác.

Không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, với ý chí tự lực, tự cường vươn lên làm giàu chính đáng từ chính sức lực, trí tuệ và kinh nghiệm, hội viên người cao tuổi giúp nhau phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm chủ trang trại, chủ doanh nghiệp, phát triển các nghề thủ công truyền thống... Toàn tỉnh hiện có 3.275 người cao tuổi làm chủ trang trại, 476 người cao tuổi làm chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, như: Ông Lê Tiến Bằng, tổ 7, phường Quyết Thắng (Thành phố) là chủ doanh nghiệp xây dựng, thu nhập 6 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 24 lao động địa phương; bà Nguyễn Thị Chi, thị trấn Nông trường Mộc Châu (Mộc Châu) chăn nuôi bò sữa, doanh thu 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 5 lao động địa phương; hay ông Cứ A Pua, bản Noong Chạy, xã Mường Chùm (Mường La) gia công quần áo dân tộc Mông và kinh doanh tạp hóa, doanh thu 600 triệu đồng/năm... Ngoài ra, các cấp hội còn xây dựng quỹ, thành lập các câu lạc bộ liên thế hệ thường xuyên trao đổi, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, tạo điều kiện cho các hội viên khó khăn vay vốn xoay vòng không tính lãi để phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo.

Từ những đóng góp của người cao tuổi, thêm khẳng định vai trò của người cao tuổi trên các lĩnh vực của đời sống - xã hội. Đặc biệt, các cấp hội người cao tuổi đã và đang cùng với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể chung sức hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, góp phần hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới theo đúng nội dung, kế hoạch đề ra.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới