Người bảo tồn gen phong lan rừng quý hiếm

Với niềm đam mê, lòng nhẫn nại và bàn tay khéo léo, sau gần 15 năm tìm tòi, sưu tập, ông Ngô Quốc Đạt, tổ 6, phường Chiềng Lề (Thành phố) đã nhân giống được nhiều dòng lan rừng quý hiếm, góp phần bảo tồn các giống lan quý trước nguy cơ mai một dần.

 

Ông Ngô Quốc Đạt chăm sóc vườn lan.

 

Trong câu chuyện với ông Đạt, chúng tôi được biết, ông yêu phong lan từ thuở còn nhỏ, khi lên rừng kiếm củi về phụ giúp gia đình, thấy những nhành hoa lan rực rỡ, hương thơm ngào ngạt, thỉnh thoảng, ông tách một nhánh về trồng như một thú vui. Sau này, khi lớn lên, trở thành thầy giáo, niềm yêu thích hoa lan của ông vẫn không thay đổi, nhưng do cuộc sống mưu sinh nên ông đành gác lại một bên. Cho đến năm 2006, khi ông chuyển nghề sang làm lái xe, cơ duyên với hoa lan lại đến với ông lần nữa, thấy bà con vùng cao mang lan rừng xuống bán, trong đó không ít loài lan quý mà người bán, người mua chưa hiểu hết được giá trị của nó. Thế là ông Đạt đã mua những giống lan này về trồng, chăm sóc.

 

Kể về thời gian đầu trồng lan, ông Đạt nói: Do chưa hiểu nhiều về lan rừng lại không có kỹ thuật nên cây chết nhiều, còi cọc, ra hoa ít. Không nản lòng, tôi tìm đến những người chơi lan rừng lâu năm ở nhiều nơi, như: Mộc Châu, Hòa Bình, Đăk Lăk, Lâm Đồng... để học hỏi kinh nghiệm cũng như tìm hiểu thông tin trên sách báo để biết về đặc tính, cách trồng và chăm sóc từng loại lan. Từ đó tôi đúc kết ra rằng: Phải luôn theo dõi sinh trưởng của cây lan, cẩn thận từ khi mua, vận chuyển, trồng... Vì phong lan đặc biệt ưa sạch nên những giá thể để trồng, như than củi, vỏ thông, sơ dừa... phải khử khuẩn, nấm mốc, sau đó ngâm tiếp với nước vôi khoảng 1 tháng mới lấy ra trồng; ban đêm phải dùng đèn pin để kiểm tra có côn trùng làm hại mầm cây hay không. 

 

Theo ông Đạt, để đưa loài lan ngoài tự nhiên về nuôi dưỡng thì người trồng phải tạo ra môi trường phù hợp, do đó ông đã tận dụng diện tích hơn 200 m2 đất vườn gần sát hồ nước, hơi nước sẽ giúp điều hòa không khí, cấp ẩm cho cây. Để lan có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt hơn, ông đã chia vườn thành 2 khu riêng biệt, mỗi bên là dòng lan phi điệp, bên còn lại là dòng lan đơn thân, cả 2 đều được dựng thành giàn sắt treo chắc chắn, trang bị lưới che để hạn chế ánh nắng mặt trời. Giàn treo cũng chia thành 3 tầng theo sự phát triển của cây, trên cùng là cây trưởng thành, cây đang phát triển và dưới cùng là ươm giống. Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu, ông Đạt đã chọn nhân giống các loài lan hiếm bằng cách cắt khúc, khi hoa tàn, ông chia cây ra làm nhiều nhóm, cắt bỏ những thân cây không còn lá, rễ. Dùng dao thật sắc cắt thân cây này ra thành từng đoạn, mỗi đoạn khoảng 4-5 đốt, bôi thuốc sát trùng và bổ sung các chất điều hòa tăng trưởng với tỷ lệ phù hợp tùy loài nhằm tạo điều kiện cho quá trình nhân chồi. Sau 3-4 năm, những cây này phát triển khỏe mạnh sẽ ra hoa.

 

Dày công sưu tầm, trao đổi với những người chơi lan, được bạn bè giới thiệu, nhiều lần ông Đạt một mình đi xe máy đến tận bản làng xa xôi của tỉnh để tìm mua những giống lan rừng quý hiếm. Tập trung vào việc bảo tồn gen lan rừng, từ năm 2006 đến nay, ông Đạt đã sở hữu một vườn lan với hơn 700 giỏ, thuộc 100 loài lan khác nhau, trong số đó, ông đã bảo tồn thành công một số loài lan đang hiếm dần như: Năm cánh trắng - rừng Sơn La, Tam bảo sắc đột biến, Hoàng thảo kèn trắng - rừng Sơn La... giá dao động từ vài triệu đồng đến chục triệu, thậm chí có giỏ đến trăm triệu đồng. Với sự phong phú, đa dạng về chủng loại, được ghép theo nhiều kiểu dáng khác nhau, thu hút nhiều người trong giới chơi lan thường xuyên lui tới vườn ông Đạt tham quan, học hỏi, vừa thưởng trà, bình hoa và được tận mắt nhìn thấy những giống hoa lan độc lạ. Có nhiều lần khách đến tham quan rồi ngỏ ý muốn mua một số giỏ lan hiếm của ông, nhưng ông khéo léo từ chối vì lý do muốn có thêm thời gian nhân giống để những loài lan đó tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Mặc dù vậy, thu nhập từ vườn lan của ông Đạt mỗi năm cũng từ 100-150 triệu đồng.

 

Ngắm nhìn mảnh vườn xanh mát, điểm những chùm lan sặc sỡ, thoảng hương thơm tinh khiết, ông Đạt mong muốn tiếp tục mở rộng thêm diện tích ươm giống và sưu tầm được nhiều loài lan độc hiếm hơn nữa, để thỏa sức đam mê với hoa lan và lưu giữ các giống lan quý cho con cháu.

Thủy Tiên
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới