Nghiên cứu, phục tráng, bảo tồn nguồn gen cây trồng, vật nuôi

Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, trình UBND tỉnh thực hiện nhiều nhiệm vụ về nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để phục tráng và bảo tồn nguồn gen một số giống cây trồng, vật nuôi có giá trị trên địa bàn tỉnh, như: Nếp tan Mường Và (Sốp Cộp); nếp tan Ngọc Chiến (Mường La); xoài tròn Yên Châu... Hiện nay, các kết quả nghiên cứu đã và đang được ứng dụng phát triển, tạo nguồn cây, con giống chất lượng phục vụ sản xuất với quy mô hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.

                                

Đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra tiến độ thực hiện Đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống lúa nếp tan Lương tại xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã”.

           

Nếp tan Ngọc Chiến, là giống lúa quý, gạo trắng trong, hạt cơm dẻo, thơm dịu, ngậy bùi... Tuy nhiên, qua thời gian dài canh tác, giống lúa đã bị thoái hóa, năng suất giảm và phẩm chất gạo bị lẫn tạp và trở thành một hỗn tạp của quần thể dòng thuần, làm giảm giá trị của gạo. Việc nghiên cứu, phục tráng, bảo tồn giống cây lúa này được Sở Khoa học và Công nghệ đưa vào nghiên cứu khoa học do Trường cao đẳng Sơn La chủ trì. Qua triển khai nghiên cứu, Đề tài đã tổ chức điều tra tình hình sản xuất, xây dựng bảng tính trạng ban đầu; xây dựng quy trình phục tráng và nhân giống nếp tan Ngọc Chiến; sản xuất được trên 1 tấn hạt giống siêu nguyên chủng phục vụ cho nhân giống, mở rộng diện tích trồng lúa, góp phần bảo tồn được nguồn gen quý, nâng cao năng suất hiệu quả kinh tế - xã hội, giá trị văn hóa vùng miền và mức sống của người dân địa phương.

           

Anh Lò Văn Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến, cho biết: Việc phục tráng thành công giống lúa nếp tan đã góp phần bảo tồn và đưa thương hiệu nếp tan Ngọc Chiến trở thành loại hàng hóa đặc sản của địa phương và được người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao. Hiện nay, xã Ngọc Chiến có 250 ha lúa nếp tan, năng suất bình quân từ 4 - 4,5 tấn/ha. Chính quyền xã đã đẩy mạnh quy hoạch vùng trồng và tăng cường hướng dẫn kỹ thuật cho người nông dân tạo sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Lúa nếp tan trên địa bàn xã Ngọc Chiến đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

           

Còn trong việc nghiên cứu bảo tồn giống vật nuôi có Đề tài “Nghiên cứu bảo tồn, phát triển giống gà đen H’Mông tại tỉnh Sơn La” do Trường đại học Tây Bắc chủ trì thực hiện. Kết quả nghiên cứu Đề tài đã cung cấp các số liệu khoa học về giống gà đen H’Mông nuôi sinh sản và thương phẩm tại Sơn La; xây dựng và chuyển giao đến người dân quy trình nuôi gà đen H’Mông thương phẩm, quy trình chọn giống, nuôi dưỡng gà đen H’Mông sinh sản; chủ động sản xuất gà giống chất lượng, đảm bảo cung cấp cho người dân, góp phần bảo tồn nguồn gen giống gà quý của đồng bào dân tộc Mông.

           

Tiếp tục định hướng các nhiệm vụ khoa học công nghệ vào lĩnh vực bảo tồn nguồn gen quý của cây trồng, vật nuôi, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt các nhiệm vụ khoa học công nghệ về lĩnh vực này. Hiện, Đề tài “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển giống lúa nếp tan Lương tại xã Nậm Mằn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La” do Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sông Mã chủ trì, thời gian thực hiện từ tháng 6/2020 - 12/2023.

           

Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sông Mã, thông tin: Mục tiêu của Đề tài nhằm bảo tồn và phát triển giống lúa nếp tan Lương tại xã Nậm Mằn, tạo dự trữ nguồn vật liệu khởi đầu cho chọn tạo giống lúa nếp mới; sản xuất được hạt giống nếp tan Lương đạt cấp siêu nguyên chủng. Đến nay, đề tài đã đánh giá được thực trạng sản xuất giống nếp tan Lương tại huyện Sông Mã; đồng thời, xây dựng bản mô tả tính trạng đặc trưng của giống nếp tan Lương; đang tiến hành đánh giá và chọn cá thể để tiến hành các bước của quy trình phục tráng.

           

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, chia sẻ: Việc nghiên cứu phục tráng, bảo tồn nguồn gen gốc bản địa có nhiều ý nghĩa trong phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế bền vững của tỉnh cũng như mang lại giá trị văn hóa, ghi dấu ấn về những sản vật địa phương. Do đó, để bảo tồn và phát triển cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc bản địa, cần sự vào cuộc của các cấp, ngành chuyên môn để định hướng cho người dân về giá trị, hiệu quả kinh tế và lộ trình phát triển cụ thể. Cũng như tiếp tục chú trọng xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, phục vụ có hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và phát triển bền vững.

           

Việc nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ đối với việc phục tráng, bảo tồn các nguồn gen quý của cây trồng, vật nuôi đã từng bước chủ động được nguồn giống, bảo tồn đa dạng sinh học, đa dạng hóa giống loài nuôi, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới