Nghề buôn bán tóc rối

Ở xã Chiềng Ly (Thuận Châu), nhiều phụ nữ đã và đang duy trì buôn bán tóc rối để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Những mớ tóc rối sau khi được gỡ, chải mượt sẽ xuất bán để chế tác thành từng loại sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách hàng, như: Thời trang, lễ hội hóa trang hoặc nhu cầu làm đẹp...

 

Người dân xã Chiềng Ly (Thuận Châu) gỡ tóc rối.

Trao đổi với chúng tôi về việc buôn bán tóc rối ở xã, chị Quàng Thị Thu, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Chiềng Ly cho biết: Trước đây, buôn bán tóc rối chỉ là nghề phụ, chị em tranh thủ làm lúc nông nhàn để có thêm thu nhập. Nhưng nay đã trở thành nghề chính của nhiều hộ gia đình, vì mang lại lợi nhuận cao, mà không cần bỏ nhiều vốn đầu tư. Các loại tóc cũ sau khi được thu mua sẽ “sơ chế” và được bán cho phụ nữ đồng bào dân tộc có nhu cầu tẳng cẩu hoặc bán cho lái buôn để xuất ra thị trường phục vụ dịch vụ thẩm mỹ. Hiện, toàn xã có trên 40 hộ làm nghề buôn bán tóc rối, tập trung nhiều ở 2 bản Chiềng Ly và bản Nà Cài, nhiều hộ gia đình thu nhập trên 200 triệu đồng/năm từ buôn bán tóc rối, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.

Đến thăm gia đình chị Lường Thị Mai, bản Chiềng Ly (Chiềng Ly) chủ một cơ sở chuyên thu mua tóc rối. Chị Mai tâm sự: Trước đây, tôi chỉ biết làm ruộng, làm nương, sau đó theo mẹ đi thu mua tóc rối về sơ chế lại, rồi chuyển đi các nơi tiêu thụ. Nhận thấy nghề buôn tóc rối vốn ít, thu lợi nhuận cao nên tôi kết nối với nhiều mối hàng, mở điểm chuyên thu gom tóc của các xe hàng rong. Các loại tóc đều được định giá theo chiều dài và chất lượng, độ bóng mượt, dày mỏng của tóc. Mức giá bình quân của tóc thẳng, dài từ 4 - 4,5 triệu đồng/kg, còn tóc rối có giá thấp hơn khoảng 3 triệu đồng/kg... Trung bình mỗi năm, gia đình thu nhập từ nghề buôn tóc rối trên 200 triệu đồng. Nhờ buôn tóc mà cuộc sống gia đình tôi khấm khá hơn rất nhiều.

Còn chị Lường Thị Bách, bản Nà Cài đã gắn bó với nghề buôn tóc rối được hơn 6 năm. Theo chị Bách, công việc gỡ tóc rối đòi hỏi sự chịu khó, tỉ mẩn trong từng công đoạn phân loại, gỡ tóc, bảo quản tóc. Tóc thu mua về được chia thành nhiều loại, gồm: Tóc rối, tóc dài, tóc cắt, tóc tỉa... Tóc càng dài, càng dày, càng được giá. Tóc vụn (đa số ở các quán cắt tóc, gội đầu) hay tóc đã qua hóa chất như nhuộm, ép, ít được thu mua, vì ít giá trị sử dụng và giá bán thấp hơn. Những người thợ phải chỉnh trang lại cho tóc thẳng qua các công đoạn, như: gội, duỗi, chải tóc và hong khô tóc. Để bảo quản tóc bền đẹp, sau khi phân loại và làm sạch, phải chia theo từng lọn nhỏ từ 1 - 2 gam rồi để vào nơi khô ráo, tránh nhiệt độ cao... Trung bình 1 ngày, chị Bách gỡ được khoảng 7 gam tóc rối, thu khoảng 180 nghìn đồng.

Buôn bán tóc rối mang lại nguồn thu nhập ổn định, do vậy đã thu hút nhiều lao động tham gia, trở thành một nghề để kiếm sống.

Hạnh Vi
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới