Ngân hàng lưu động đưa đồng vốn đến với bà con vùng sâu, vùng xa

Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng được Agribank triển khai từ năm 2017, đến nay, đã trang bị 68 xe cho chi nhánh các tỉnh trong cả nước nhằm phục vụ khách hàng tốt hơn; giảm chi phí, thời gian đi lại, đảm bảo an toàn về tài sản và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng, được vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư tại địa bàn vùng sâu, vùng xa. Agribank chi nhánh tỉnh Sơn La là một trong các tỉnh đầu tiên thực hiện điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng (tại Mộc Châu và Vân Hồ) đã được cấp chính quyền địa phương và nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Nay tiếp tục thực hiện triển khai tại xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn.

Phiên giao dịch tại Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng ở xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn.

Hôm khai trương, rất đông cán bộ, bà con nhân dân đến dự và thực hiện giao dịch. Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng tại xã Chiềng Lương cách trung tâm huyện Mai Sơn trên 20 km, phục vụ nhu cầu tín dụng cho các hộ dân 2 xã Chiềng Lương và Phiêng Pằn. Hiện có gần 800 khách hàng trên địa bàn đang vay vốn tại Agribank, dư nợ trên 60 tỷ đồng; ước tính nếu giao dịch tại điểm giao dịch lưu động sẽ tiết kiệm cho các khách hàng khoảng 2,5 tỷ đồng/năm tiền xăng và tiền công lao động. Tại phiên đầu tiên điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng đã thực hiện giao dịch 166 bút toán, doanh số 2,2 tỷ đồng.

Vừa giao dịch trên xe ô tô lưu động của Ngân hàng xong, chị Lường Thị Long, bản Mờn, xã Chiềng Lương, tươi cười: Năm 2015, gia đình tôi vay Agribank Chi nhánh huyện Mai Sơn 290 triệu đồng để mua xe ô tô tải làm dịch vụ vận chuyển nông sản, mỗi năm kiếm được 200 triệu đồng, đến nay đã trả nợ xong. Hôm nay, tôi tiếp tục vay 200 triệu đồng để đầu tư chuyển đổi 2 ha trồng ngô sang trồng chanh leo. Trước đây, mỗi lần giao dịch phải ra tận xã Cò Nòi, mất cả buổi đi lại. Những lần tôi đi trả tiền Ngân hàng, phải có người đi cùng vì sợ cầm nhiều tiền đi xa không an toàn, vừa mất thời gian, vừa mất công. Nay, có xe ô tô lưu động của Ngân hàng đến tận xã, rất thuận lợi, yên tâm đến giao dịch.

Theo ông Cầm Văn Mười, Chủ tịch UBND xã Chiềng Lương: Những năm qua, xã đã phối hợp chặt chẽ với Agribank Chi nhánh huyện Mai Sơn để triển khai thực hiện tốt Nghị định 55 của Chính phủ, đến nay có 755 hộ vay vốn với tổng số 57,8 tỷ đồng, chiếm 37% tổng số hộ toàn xã. Đồng vốn của Agribank đã đóng góp tích cực vào quá trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới của địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo của xã trước khi tiếp cận nguồn vốn là trên 28%, nay chỉ còn dưới 24%. Xã chúng tôi rất mừng vì nay được tiếp cận dịch vụ ngân hàng lưu động của Agribank, vì giúp người dân vùng sâu, vùng xa dễ tiếp cận nguồn vốn vay hơn. Đây là cách làm hay, đầy tính nhân văn, thể hiện tinh thần vì dân phục vụ của Agribank.

Những năm qua, Agribank chi nhánh huyện Mai Sơn đã làm tốt công tác đầu tư tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, mạng lưới hoạt động rộng khắp tới các bản trong toàn huyện. Chi nhánh huyện Mai Sơn luôn có quy mô tổng tài sản đứng hàng đầu trong các chi nhánh loại II; hiện có tổng dư nợ gần 2.000 tỷ đồng, nguồn vốn gần 900 tỷ đồng với số lượng trên 8.600 khách hàng, trong đó có 93 tổ vay vốn với 3.064 thành viên. Tuy nhiên, bên cạnh yếu tố tập quán sản xuất, trình độ hạn chế thì nguyên nhân địa bàn xã rộng, giao thông đi lại khó khăn, khoảng cách đến trung tâm huyện khá xa, khiến nhiều hộ chưa tiếp cận được nguồn vốn. Trao đổi với ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Mai Sơn, được biết: Đơn vị hiện có 43 cán bộ nhân viên, quản lý và cho vay với 21 xã và 1 thị trấn. Chúng tôi đã có 6 điểm giao dịch ở các xã ở xa trung tâm huyện, gồm: Điểm xã Chiềng Sung; điểm cụm xã Chiềng Lương và xã Phiêng Pằn; điểm cụm xã Chiềng Chung và Mường Chanh; điểm cụm xã Chiềng Mai, Chiềng Kheo, Chiềng Dong và Chiềng Ve; điểm xã Chiềng Chăn; điểm xã Nà Ớt, Phiêng Cằm và xã Chiềng Nơi. Đây là cơ sở để tiếp tục triển khai Đề án điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng.

Ông Phạm Văn Bằng, Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Sơn La, chia sẻ: Agribank Chi nhánh tỉnh Sơn La đã triển khai Đề án triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng ở huyện Mộc Châu, Vân Hồ và Mai Sơn. Điểm giao dịch lưu động cung cấp đầy đủ dịch vụ tiện ích của Ngân hàng. Qua khảo sát, chúng tôi nhận được sự đồng tình ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân địa phương. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục triển khai tới các địa bàn rộng, giao thông còn khó khăn, như: Thuận Châu, Sông Mã... nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu tín dụng của các hộ dân vùng sâu, vùng xa, nhất là góp phần đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Hiện, Agribank Chi nhánh tỉnh Sơn La có tổng dư nợ 14.000 tỷ đồng, với trên 46.000 khách hàng, trong đó tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm trên 90%, đóng góp tích cực cho sự phát triển của tỉnh. Đơn vị đã không ngừng mở rộng mạng lưới hoạt động trên địa bàn tỉnh. Trong khi nguồn nhân lực hạn chế, bình quân mỗi cán bộ tín dụng đang quản lý gần 400 đến 500 khách hàng, dư nợ trên 100 tỷ đồng/1 cán bộ, có những cán bộ tín dụng tại khu vực nông thôn đang quản lý từ 800 đến 1.000 khách hàng, đây là vấn đề rất cấp bách của Agribank Sơn La trong giai đoạn hiện nay. Agribank thực hiện Đề án triển khai Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng là giải pháp hiệu quả, cần sớm nhân rộng để các hộ dân vùng sâu, vùng xa sớm được tiếp cận dịch vụ ngân hàng tiện ích, ưu việt này.

Minh Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới