Đồ họa về Tuyến đường Biển Bắc (màu đỏ) và tuyến hàng hải hiện tại qua kênh đào Suez (màu xanh). (Ảnh: The Economist)

Bộ Năng lượng Nga ngày 29/3 đã nhấn mạnh đến tính an toàn và bền vững của Tuyến đường Biển Bắc (NSR) và các đường ống dầu khí của nước này. Bộ này khẳng định, NSR và các đường ống dầu khí của họ “có độ an toàn cao, giữ vị trí cạnh tranh về chi phí vận tải cũng như độ tin cậy so với những tuyển đường thay thế khác".

Một nhà ngoại giao cấp cao của Nga cho biết, sự cố tàu Ever Given bị mắc cạn đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển tuyến đường Bắc Cực. Ông Nikolai Korchunov – người phụ trách hợp tác quốc tế về Bắc Cực của Nga cho biết: "Sức hấp dẫn của tuyến đường biển Phương Bắc sẽ tăng lên cả trong ngắn hạn và dài hạn".

Nga ước tính lượng hàng hóa sẽ tăng lên thông qua Tuyến đường Biển Bắc- một trong một số những kênh vận chuyển ở Bắc Cực và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Nga. Sản lượng hàng hóa đi qua tuyến đường này đạt khoảng 33 triệu tấn vào cuối năm ngoái và Bộ Năng lượng Nga ước tính sẽ tăng lên 80 triệu tấn vào năm 2024.

Tổng thống Vladimir Putin đã coi khu vực Bắc Cực của Nga trở thành ưu tiên chiến lược và ra lệnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng quân sự và khai thác khoáng sản. Sự phát triển của Tuyến đường Biển Bắc gắn liền với ưu tiên này. Cho đến nay, Nga đã chi những khoản tiền lớn để phát triển một hạm đội tàu phá băng và tàu chở dầu lớp băng. Việc đầu tư để phát triển tuyến đường này cho phép các tàu cắt giảm hành trình đến các cảng châu Á 15 ngày so với việc thông qua Kênh đào Suez.

Tuy nhiên hiện nay, chưa nhiều tàu bè sử dụng Tuyến đường Biển Bắc vì nhiều lý do, trong đó chủ yếu là thời tiết. Do mặt biển thường xuyên bị đóng băng nên tuyến hàng hải này chỉ có thể được khai thác vào một số tháng ấm nhất định trong năm./.