Nấu ăn cho học sinh bán trú ở Kim Bon

Trường Tiểu học và THCS Kim Bon thuộc xã vùng III của huyện Phù Yên, học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Trước đây, tình trạng học sinh bỏ học nhiều, nhưng từ năm 2012 đến nay, nhờ triển khai mô hình bán trú, nên đã duy trì sỹ số học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở xã vùng cao này.

 

 

 

Một bữa ăn bán trú của học sinh Trường TH và THCS Kim Bon, xã Kim Bon (Phù Yên).

                 

Chúng tôi đến Trường Tiểu học và THCS Kim Bon đúng vào giờ ăn trưa của học sinh. Ở cửa bếp ăn, học sinh xếp hàng thứ tự, lần lượt đưa phiếu ăn cho giáo viên, rồi tự giác ngồi theo các khối lớp đã sắp xếp. Thầy giáo Lò Văn Thiết, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Hơn 2 năm nay, nhà trường tổ chức phát phiếu ăn cho học sinh. Phiếu ăn có đóng dấu của nhà trường và phát cho các em vào đầu giờ lên lớp. Nhờ cách làm này, nhà trường đã duy trì sĩ số học sinh lên lớp, giảm hẳn tình trạng học sinh bỏ học, trốn tiết giữa giờ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Riêng kỳ I, năm học 2019-2020, khối THCS có 25% số học sinh đạt khá, giỏi; khối tiểu học có trên 98% số học sinh hoàn thành chương trình học kỳ I...

                 

Tìm hiểu được biết, Trường Tiểu học và THCS Kim Bon hiện có 1 điểm trường trung tâm và 10 điểm trường ở các bản, với hơn 1.400 học sinh, trong đó 344 học sinh bán trú khối THCS và 221 học sinh bán trú khối tiểu học. Hằng năm, nhà trường tổ chức họp phụ huynh có con em trong diện bán trú để thông tin kế hoạch của nhà trường về công tác bán trú, qua đó phối hợp quản lý, vận động học sinh ra lớp đều... Trong công tác bếp ăn bán trú, thực hiện theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ học sinh, nhà trường tổ chức nấu ba bữa sáng, trưa và chiều cho học sinh bán trú. Để các suất ăn phù hợp với học sinh, trường đã thành lập 2 tổ bếp ăn bán trú, gồm tổ bếp nấu ăn cho học sinh khối THCS và tổ bếp khối tiểu học. Cùng với đó, chú trọng công tác vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) bằng cách liên kết với các nhà cung cấp thực phẩm có giấy đăng ký kinh doanh, được chứng nhận đảm bảo vệ sinh ATTP ở thị trấn Phù Yên để nhập nguyên liệu thực phẩm hằng ngày; phân công giáo viên, nhân viên nấu ăn giám sát, kiểm tra chặt chẽ từ khâu chọn nguyên liệu đến khâu chế biến. Sau khi chế biến xong, thức ăn được lưu mẫu trong 24 giờ, đề phòng trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm để có cơ sở phân tích và hướng giải quyết kịp thời... Nhờ vậy, từ ngày xây dựng bếp ăn bán trú đến nay chưa xảy ra ngộ độc thực phẩm.

                 

Chị Đặng Thị Xuôi, Tổ trưởng bếp ăn bán trú khối THCS cho biết: Tổ nấu ăn bán trú khối THCS hiện có 7 nhân viên nấu ăn. Hằng năm, chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn về ATTP để đảm bảo công tác vệ sinh ATTP trong các khâu chế biến. Đồng thời, thường xuyên thay đổi thực đơn các bữa ăn để đảm bảo chất dinh dưỡng cho học sinh.

                 

Hiện, nhà trường có 4 nhà ở, gồm 18 phòng cho hơn 400 em học sinh ở bán trú. Vào chiều thứ 5 hằng tuần, trường tổ chức sinh hoạt bán trú, hướng dẫn học sinh nội quy bán trú, rèn luyện tính kỷ luật ngăn nắp, sạch sẽ khi sống trong môi trường tập thể. Đồng thời, phân công giáo viên hằng ngày kiểm tra, đôn đốc các em sinh hoạt điều độ, đúng giờ giấc; hỗ trợ học sinh tự học mỗi tối...

                 

Tuy nhiên, nhà trường hiện còn gặp khó khăn trong công tác bán trú, đó là: Chưa có bếp ăn tập thể, phải sử dụng bếp ăn tạm, nên các lớp chia ca để ăn; do thiếu phòng ở, hơn 100 học sinh thuộc diện bán trú phải tự thuê nhà dân để ở; một số học sinh bán trú ngủ ghép 2 em/giường; chưa có nhà tắm, thiếu nhà vệ sinh... Do vậy, Trường TH và THCS Kim Bon rất mong các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị... tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh yên tâm giảng dạy và học tập.

Huyền Trăng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới