Nâng cao trách nhiệm chăm sóc nạn nhân chất độc da cam

Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ không chỉ dùng các loại bom, đạn gây thương vong mà còn sử dụng cả chất độc da cam/dioxin nhằm hủy diệt môi trường và sự sống của con người. Chiến tranh lùi xa, nhưng nỗi đau da cam còn đó.

Ở tỉnh Sơn La, 1.054 người bị nhiễm chất độc da cam nhưng đến nay mới có 536 nạn nhân chất độc da cam được hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước (trong đó 314 người trực tiếp tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 222 người gián tiếp là con đẻ) ở các địa phương trong tỉnh.

Mặc dù những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên quan tâm giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam/Dioxin về vật chất và tinh thần, song đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân chất độc da cam vẫn còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, bệnh tật thường xuyên tự phát. Mức chi phí nuôi dưỡng chữa bệnh lớn, vượt ngoài khả năng kinh tế của gia đình.

Để xoa dịu “nỗi đau da cam”, trước hết, các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp nhân dân cần quán triệt và thực hiện tốt Chỉ thị số 43- CT/TW, ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do đế quốc Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Đây là vấn đề cấp bách và lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền, của cán bộ, đảng viên và các tổ chức trong hệ thống chính trị.

Phát huy vai trò của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh nhằm tập hợp đoàn kết các nạn nhân bị tổn thương bởi chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và các công dân tự nguyện tham gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học.

Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, các hội quần chúng để vận động, kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh cùng nhau chung tay xoa dịu “nỗi đau da cam, tạo mọi điều kiện chăm sóc, giúp đỡ để những nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm cho các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhân dân thế giới hiểu rõ hơn thảm họa da cam ở Việt Nam.

Các cấp, các ngành, địa phương, tạo điều kiện hỗ trợ các gia đình nạn nhân chất độc da cam về giống, vốn, kỹ thuật phát triển các mô hình kinh tế, ổn định đời sống, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, hỗ kinh phí cho các bệnh nhân nặng có điều kiện chữa bệnh. Tiếp tục rà soát những đối tượng bị phơi nhiễm chất độc da cam để đề nghị được hưởng các chế độ của Nhà nước. Tăng cường hoạt động của Quỹ Nạn nhân chất độc da cam tỉnh có hiệu quả theo đúng quy chế.

Chung tay chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin là lương tâm, trách nhiệm của xã hội, là đạo lý của dân tộc Việt Nam. Mỗi cấp, mỗi ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, mỗi người dân nhận thức đúng nỗi đau của những nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Từ đó, có hành động tự giác, tích cực nhất, hiệu quả nhất với tình cảm và trách nhiệm cao nhất trong việc tiếp tục giúp đỡ nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam cả về vật chất và tinh thần, giúp xoa dịu “nỗi đau da cam”.

Khánh Vân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới