Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân

Nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nông dân trên địa bàn toàn tỉnh có tay nghề, kiến thức phù hợp với nhu cầu việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, Trung tâm Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh Sơn La, đã triển khai nhiều giải pháp, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề gắn với tạo việc làm, giúp hội viên có việc làm, ổn định cuộc sống.

 

Các học viên thực hành chăm sóc nho tại Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh.

Theo khảo sát hằng năm trên địa bàn toàn tỉnh, nhu cầu việc làm rất lớn, trong đó nông nghiệp chiếm khoảng 80%, còn lại là phi nông nghiệp. Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, Trung tâm Hỗ trợ nông dân đã xây dựng kế hoạch phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố rà soát nhu cầu học nghề của hội viên để tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp. Đồng thời, kết nối, giới thiệu một số lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.

Ông Trần Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh, cho biết: Năm 2022, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch phấn đấu mở 25 lớp tập huấn cho khoảng 1.000 học viên. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tích cực phối hợp với Khoa Nông lâm, Trường Đại học Tây Bắc và Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam mở 17 lớp đào tạo nghề ngắn hạn về kỹ thuật sơ chế, bảo quản nông sản cho 595 học viên, gắn với giới thiệu việc làm sau khi hoàn thành khóa học. Nhờ đó, các hội viên sẽ tích lũy được kinh nghiệm khi có nguyện vọng đi làm việc tại các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản trong và ngoài tỉnh; sau thời gian học tập, toàn bộ học viên được Trung tâm giới thiệu làm việc tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, tại thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Hiện, Trung tâm đang tổ chức 1 lớp và phấn đấu hoàn thành 7 lớp cho khoảng 300 học viên theo đúng kế hoạch đề ra.  

Các giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam hướng dẫn hội viên Hợp tác xã nông nghiệp bản Pát, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La bao trái cây. 

Đang theo học lớp đào tạo ngắn hạn về sơ chế bảo quản nông sản tại Trung tâm, chị Quàng Thị Hồng, bản Mạt, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, phấn khởi nói: Nhà tôi trồng gần 1 ha cây chanh leo, trước đây việc thu hái, cắt tỉa, chăm sóc không đúng cách cũng ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây. Sau lớp học này, tôi sẽ hướng dẫn cho mọi người trong gia đình và người thân biết cách chăm sóc cho cây, cách sơ chế bảo quản quả chanh leo đúng kỹ thuật, để đảm bảo chất lượng, tăng giá trị sản phẩm.

Cũng tham gia lớp đào tạo, anh Lò Văn Phương, bản Nà Cạn, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Tôi vừa học xong lớp 12, nhưng tôi không đăng ký vào các trường đại học, mà cùng gia đình chăm sóc 2 ha xoài, nhãn, bưởi. Tôi đăng ký tham gia lớp học này để có kiến thức chăm sóc, thu hoạch quả, cũng như sơ chế, bảo quản sản phẩm. Nhờ đó, các loại hoa quả của gia đình khi thu hoạch đảm bảo được mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đáp ứng người tiêu dùng và nâng cao thu nhập... 

Hội viên Hợp tác xã nông nghiệp bản Pát, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La thực hành bao trái cây. 

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang là hướng đi đúng của các Trung tâm Hỗ trợ nông dân, giúp các hội viên nông dân nâng cao tay nghề, sản xuất nông sản đảm bảo chất lượng, xây dựng thương hiệu, tăng giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, để công tác đào tạo nghề phát huy hiệu quả hơn nữa, Trung tâm cần phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về vốn, phương tiện sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn sau khi học nghề, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo. Đồng thời, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo; đổi mới nội dung chương trình đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, phù hợp, đảm bảo theo hướng thiết thực, gắn với nhu cầu thực tế của địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh..., giúp người lao động nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

 

Minh Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới