Nặm Păm hồi sinh

Gần 2 năm đã trôi qua, nhưng người dân xã Nặm Păm (Mường La) vẫn còn chưa hết bàng hoàng bởi sự tàn phá khủng khiếp của cơn lũ đêm mùng 2 rạng sáng ngày 3/8/2017. Cơn lũ kinh hoàng đã làm 8/11 bản của xã tan hoang, 10 người chết, nhiều công trình trường học, trạm y tế, điện, nước sinh hoạt, hệ thống đường giao thông, thủy lợi bị phá hủy; 128 gia đình sau một đêm bỗng rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, 57 ngôi nhà bị đổ sập, 169 hộ trong vùng nguy hiểm phải di chuyển khẩn cấp, hơn 70 ha ruộng nước bị đất đá vùi lấp, thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Đầu tư xây dựng
các công trình hạ tầng

Trở lại Nặm Păm bây giờ, suốt chiều dài hơn chục cây số dọc suối Nặm Păm, từ bản Hua Nặm lên đến bản Piệng, Huổi Sói, vẫn còn thấy rõ hậu quả nặng nề của cơn lũ để lại, dù bên cạnh những bãi đá ngổn ngang đã thấy những thửa ruộng lúa xanh tốt, trên những nương vườn, cây ăn quả đã tươi tốt trở lại.

Khu dân cư tránh lũ bản Hốc, xã Nặm Păm.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ, giúp đỡ kịp thời, hiệu quả của các cấp, các ngành, tổ chức và cá nhân, các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt... ở Nặm Păm đã được sửa chữa, đầu tư xây dựng. Trong đó, Bộ Công an hỗ trợ xây dựng 11 phòng học lắp ghép, 6 nhà bán trú, đầy đủ bàn ghế, dụng cụ học tập, thiết bị giảng dạy, đồng phục học sinh, giường, chăn, gối và dụng cụ nấu ăn; Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ 5 tỷ đồng xây dựng Trạm Y tế; Tập đoàn VinGroup hỗ trợ 7 tỷ đồng xây dựng Trường Mầm non; Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ 40 tỷ đồng xây dựng Trường Tiểu học; nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ tiền mặt, hàng hóa, nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt... trị giá hàng chục tỷ đồng. 

Khu dân cư tránh lũ bản Hua Nặm, xã Nặm Păm (Mường La). 

Đặc biệt, với quan điểm chỉ đạo của Thường trực tỉnh ủy, UBND tỉnh là không để bất cứ một hộ dân nào bị đói, không để bất cứ một gia đình nào bị thiệt hại về nhà mà không có chỗ ở, cùng với sự chủ động vượt lên khó khăn, tập trung khắc phục hậu quả của cấp ủy, chính quyền địa phương, cuộc sống của người dân Nặm Păm đang ổn định từng ngày. Sau cơn lũ, 8/11 bản của xã bị thiệt hại, nằm trong vùng nguy hiểm đã được tỉnh bố trí hơn 85 tỷ đồng triển khai 5 dự án sắp xếp, ổn định dân cư, gồm: Dự án bản Hua Nặm, quy mô 115 hộ; Dự án bản Hốc - Huổi Hốc, quy mô 79 hộ; Dự án bản Bâu, quy mô 25 hộ và Dự án bản Piệng - Huổi Sói, quy mô 72 hộ. Đến nay, toàn bộ 128 hộ có nhà bị lũ cuốn trôi hoàn toàn đã được hỗ trợ làm nhà lắp ghép, 57 nhà bị sập đổ và 169 hộ nằm trong vùng nguy hiểm có nguy cơ bị sạt lở đã được hỗ trợ di chuyển và dựng lại nhà tại các điểm quy hoạch khu dân cư tránh lũ.

Doanh nghiệp Hữu Hảo (Mường La) thi công xây dựng Trường Tiểu học Nặm Păm.

Chúng tôi vẫn nhớ hình ảnh mấy ngày sau cơn lũ, bà Lò Thị Lả (bản Hua Nặm) đi nhặt từng chiếc áo dính đầy bùn đất còn vướng lại trên cành cây đem về giặt và phơi trên những tảng đá. Gia đình bà bị cơn lũ cuốn trôi toàn bộ tài sản trị giá hàng chục triệu đồng sau bao năm lao động tích cóp, gồm chiếc máy cày tay, 3 máy tuốt lúa, hơn 4 tấn thóc, 10 con lợn và đồ dùng sinh hoạt, may mắn còn sót lại bộ khung ngôi nhà sàn, được cán bộ, chiến sỹ công an, bộ đội giúp tháo dỡ, di chuyển đến nơi an toàn. Bây giờ gặp lại, bà Lả khoe được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng; các nhà hảo tâm giúp đỡ đồ dùng sinh hoạt; khung nhà sàn cũng đã được dựng lại ở điểm khu dân cư mới cao hơn nền nhà cũ 5 mét. Cuộc sống của gia đình bà và nhân dân trong bản đã ổn định trở lại.

Khôi phục sản xuất,
ổn định đời sống nhân dân

Với chủ trương vừa ổn định đời sống nhân dân sau lũ, vừa tập trung các giải pháp khẩn trương khôi phục sản xuất, ngay trong tháng 9/2017, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và huyện Mường La đề xuất phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng lâu dài, bền vững để triển khai chính sách hỗ trợ. Ngoài việc hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để dựng lại nhà, thì 128 hộ bị lũ cuốn trôi hoàn toàn được hỗ trợ 2 con dê, một con bò giống; 57 hộ bị sập nhà được hỗ trợ 2 con dê. Đồng thời, hỗ trợ giống cây ăn quả chất lượng cao, gồm xoài ghép, nhãn ghép, bưởi da xanh và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc thay thế diện tích nương ngô, sắn kém hiệu quả trước đây. Trong hai năm (2017-2018), nhân dân các bản đã trồng 145 ha, trung bình mỗi hộ được hỗ trợ 100 cây giống trở lên; năm 2019, bà con tiếp tục đăng ký trồng thêm 20 ha nữa. Theo ông Lò Văn Cẩn, Chủ tịch UBND xã thì đây là bước đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Nặm Păm, khi mà toàn bộ diện tích ruộng nước bị bồi lấp, phải mất rất nhiều thời gian và công sức mới có thể khôi phục được.

Nhân dân bản Bâu, xã Nặm Păm chăm sóc vườn cây ăn quả.

Tuy nhiên, do là giống cây ăn quả chất lượng cao, trong khi đó trình độ canh tác của bà con còn hạn chế, nên nhiều diện tích chưa được chăm sóc và phòng chống sâu bệnh đúng kỹ thuật. Nhằm bảo đảm toàn bộ diện tích cây ăn quả sinh trưởng, phát triển tốt, sớm mang lại thu nhập cho bà con, các cơ quan chuyên môn của huyện phối hợp với xã tìm kiếm các doanh nghiệp, HTX đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho hay đã có HTX Đảo Ngọc (xã Mường Bú) liên kết với các hộ ở bản Ít, Huổi Hốc và bản Bâu cung ứng vật tư, thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Huyện đang tiếp tục hỗ trợ một số giống cây ngắn ngày để bà con trồng xen diện tích cây ăn quả.

Cùng với đó, hệ thống chính trị các xã, bản cùng vào cuộc, tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy tinh thần vì cộng đồng, đoàn kết, chia sẻ giúp đỡ nhau vượt lên khó khăn, phát huy tinh thần tự lực, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất. Bắt đầu từ vụ mùa năm 2018, huyện Mường La huy động các doanh nghiệp hỗ trợ máy xúc san gạt mặt bằng toàn bộ diện tích ruộng bị đất đá vùi lấp; sau đó các bản họp dân vận động bà con hiến đất để chia lại, quyết tâm không để đất bị bỏ hoang, những bãi đá ngổn ngang đang từng ngày được bà con cải tạo thành những thửa ruộng..., vụ mùa năm 2018, cả xã khôi phục được 14 ha, vụ xuân năm nay khôi phục thêm 4 ha; hiện nay, bà con vẫn đang tiếp tục bỏ tiền, công sức để khôi phục. Cũng bị mất hết tài sản bởi cơn lũ, gia đình chị Quàng Thị Mai (bản Hua Nặm) có 4 khẩu, được hỗ trợ làm nhà lắp ghép, thêm một con bò, hai con dê giống, hơn 100 cây ăn quả. Sau khi được bản chia cho 1.200 m2 ruộng, gia đình chị bỏ ra hơn 6 triệu đồng thuê máy xúc, chuyển những tảng đá to ra khỏi mặt ruộng và đắp bờ, bỏ hàng chục ngày công dọn đá, khơi nước vào ruộng..., mặc dù vụ xuân năm nay không kịp cấy lúa, nhưng huyện đã hỗ trợ giống bí để trồng, vừa cải tạo đất, vừa thêm thu nhập, hy vọng đến vụ mùa sẽ có đủ thóc ăn.

Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng bản và sự nỗ lực vượt lên khó khăn, không trông chờ ỷ lại của mỗi người dân..., những thửa ruộng trên vùng lũ đang dần xanh trở lại, vườn cây ăn quả trên nương bắt đầu ra bói. Cùng với thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất, hàng trăm thanh niên các bản được đi làm việc tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh; hệ thống trường học, giao thông, thủy lợi, công trình điện, nước sinh hoạt đã và đang được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh; cuộc sống của bà con vùng lũ dần ổn định. Nặm Păm đã thực sự hồi sinh sau cơn lũ.

Ngọc Thuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới