Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo danh mục giáo dục, đào tạo cấp 4 trình độ Đại học vừa được ban hành kèm theo Thông tư số 24 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, bao gồm 23 lĩnh vực với 366 ngành đào tạo, tức là thêm 105 ngành đào tạo so với danh mục được ban hành năm 2010.

Trong đó, sự thay đổi tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: an ninh quốc phòng; khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; khoa học xã hội và hành vi. Ngành đào tạo giáo viên bên cạnh các ngành sư phạm ngoại ngữ truyền thống khác thì lần đầu tiên có rất nhiều ngành mới, như có một loạt các ngành đào tạo sư phạm các tiếng dân tộc như tiếng Khmer, Jrai, X’đăng… Đặc biệt, từ năm 2018 các trường sư phạm còn có thêm ngành sư phạm khoa học tự nhiên.

Khối ngành ngôn ngữ cũng có nhiều ngành mới xuất hiện như ngôn ngữ Chăm, ngôn ngữ Khmer, ngôn ngữ ARập. Khối ngành khác cũng có nhiều ngành học lần đầu có mã ngành riêng như: du lịch, an toàn thông tin, tổ chức và quản lý y tế, du lịch, bảo tồn di sản kiến trúc đô thị, quản lý đô thị và công trình… Năm 2018, những ngành mới, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chính thức có tên trong danh mục nói trên. Ví dụ, ngành quản lý hoạt động bay trước đây thuộc nhóm ngành quản lý công nghiệp, thì nay thuộc nhóm ngành khai thác vận tải.

Ngoài những ngành mới đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội thì nhiều ngành đang tồn tại cũng được sắp xếp lại cho phù hợp hơn. Nhóm ngành máy tính, công nghệ thông tin cũng được sắp xếp lại cho phù hợp với xu thế phát triển ngành nghề hiện nay.

Cụ thể, nhóm ngành máy tính có các ngành khoa học máy tính, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật phần mềm, hệ thống thông tin, kỹ thuật máy tính, công nghệ kỹ thuật máy tính.

Nhóm ngành công nghệ thông tin có ngành công nghệ thông tin và ngành an toàn thông tin, trong đó ngành an toàn thông tin là ngành học rất mới, được đào tạo đầu tiên tại 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn thông tin./.