Mường La tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm

Trong những năm qua, huyện Mường La đã thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về ATTP, hạn chế các trường hợp ngộ độc thực phẩm do thiếu hiểu biết.

 

Homestay Ngọc Chiến (Mường La) bố trí khu vực rửa tay đảm bảo vệ sinh theo quy định.

 

Bà Mùa Thị Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Hằng năm, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng kế hoạch và triển khai những giải pháp đảm bảo ATTP theo chức năng, nhiệm vụ được giao; chú trọng công tác truyền thông; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về ATTP... Hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn được bồi dưỡng kiến thức ATTP và được khám sức khỏe định kỳ; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm được giám sát theo chuyên ngành và được kiểm tra định kỳ. Huyện đã hình thành thêm 7 chuỗi liên kết cung ứng nông sản, thủy sản an toàn áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP và các tiêu chuẩn tương tự...

 

Mường La hiện có 220 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 90 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 21 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, 40 bếp ăn tập thể, 357 cơ sở nấu rượu thủ công và kinh doanh rượu. Là cơ quan thường trực về công tác ATTP của huyện, Trung tâm Y tế huyện đã phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn, tăng cường tuyên truyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp về ATTP, với nhiều hình thức, như: Xây dựng phóng sự; căng treo băng rôn, khẩu hiệu; phát tờ rơi, tờ gấp... Riêng 6 tháng đầu năm, Trung tâm đã phối hợp truyền thông, nói chuyện trực tiếp 136 buổi, với gần 4.800 lượt người tham gia; phát trên sóng truyền thanh của Trung tâm TT-VH huyện 743 lượt các nội dung: Hướng dẫn người dân lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ...

 

Công tác thanh tra, kiểm tra giám sát ATTP, tập trung vào các cơ sở chế biến đồ ăn sẵn, quán giải khát, căng tin, bếp ăn tập thể tại các trường học, bệnh viện, doanh nghiệp, thức ăn đường phố. Từ năm 2019 đến nay, đã kiểm tra 60 cơ sở, phát hiện, xử lý 15 cơ sở vi phạm quy định ATTP, xử phạt hành chính trên 15 triệu đồng; test nhanh 100 mẫu, kết quả âm tính với các chất: hàn the, fooc môn, methanol, phẩm màu, dư lượng thuốc trừ sâu trong rau quả. Thẩm định đủ điều kiện ATTP đối với 39 cơ sở dịch vụ ăn uống; 65 cơ sở được giám sát, hỗ trợ đảm bảo ATTP trong quản lý, chế biến thực phẩm; 65/92 cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống có vòi nước, chậu rửa tay, xà phòng rửa tay để phòng chống dịch COVID-19.

 

Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATTP tại một số xã, bản vùng cao của huyện còn gặp khó khăn. Nguyên nhân là do, trình độ dân trí của một bộ phận người dân hạn chế, nên tồn tại phong tục, tập quán lạc hậu trong sinh hoạt, như: Sử dụng các món thực phẩm sống; rau, quả, nấm... hái trong rừng dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Riêng năm 2019, tại xã Pi Toong có 4 người ngộ độc do ăn sáp ong, trong đó 1 người tử vong; 5 người ở xã Ngọc Chiến ngộ độc do ăn nấm. Gần đây nhất, ngày 30/6, tại  bản Tốc Tát Trên, xã Chiềng Công có 9 người bị ngộ độc chưa rõ nguyên nhân.

 

Nhằm ngăn ngừa các vụ ngộ độc thực phẩm, trong thời gian tới, huyện Mường La tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về ATTP, trong đó tăng cường công tác tuyên truyền cho nhân dân nâng cao ý thức về ATTP, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, đề nghị Chi cục Vệ sinh ATTP tỉnh hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn về chuyên môn thanh tra chuyên ngành, kiểm nghiệm ngộ độc thực phẩm; cung cấp trang thiết bị, dụng cụ, vật tư phục vụ công tác kiểm nghiệm.

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới