Mường Chanh ngày ấy - bây giờ

Trong không khí hào hùng của những ngày Tháng Tám lịch sử, chúng tôi về xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn, vùng quê giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây, gần 80 năm trước, tổ thanh niên cứu quốc Mường Chanh đã tập hợp những thanh niên yêu nước, cùng nhân dân đứng lên đánh đuổi giặc, giành chính quyền. Truyền thống cách mạng đó, tiếp tục được cấp ủy, chính quyền và nhân dân Mường Chanh viết tiếp trong công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

 

Nông dân xã Mường Chanh chăm sóc cây ăn quả.

Khi được biết chúng tôi muốn tìm hiểu lịch sử những năm tháng tiền khởi nghĩa, Chủ tịch UBND xã Cầm Văn Nhất dẫn chúng tôi đi thăm quan nhà truyền thống của xã, nơi lưu giữ nhiều kỷ vật của một thời đầy oanh liệt, hào hùng của quê hương Mường Chanh. Ông Nhất giới thiệu: Nhà truyền thống của xã được xây dựng từ năm 2005, đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, trưng bày những kỷ vật của thời kỳ chống Pháp; danh sách các Anh hùng liệt sỹ, Huân, Huy chương của quân và dân Mường Chanh đã được Đảng và Nhà nước trao tặng.

Lật từng trang sử, đầu năm 1943, khi điều kiện đã chín muồi, Chi bộ nhà ngục Sơn La đã bí mật thành lập tổ chức cách mạng đầu tiên ở Sơn La - đó là “Đoàn thanh niên cứu quốc (tiếng Thái gọi là “Mú nóm chất mương”) gồm 2 tổ ở tỉnh lỵ và huyện Mường La. Sau cuộc vượt ngục thành công của tù nhân chính trị nhà tù Sơn La, thực dân Pháp khủng bố gắt gao, các tổ thanh niên cứu quốc rút vào hoạt động bí mật hoặc tạm thời ngừng hoạt động để chờ thời cơ. Theo chỉ đạo của Chi bộ, đồng chí Chu Văn Thịnh được giao nhiệm vụ tìm địa bàn thuận lợi để xây dựng cơ sở cách mạng và căn cứ địa cách mạng sau này. Sau thời gian khảo sát, tìm hiểu, đồng chí Chu Văn Thịnh báo cáo với Chi bộ nhà ngục Sơn La chọn địa bàn xã Mường Chanh (Châu Mai Sơn) để xây dựng phong trào. Mường Chanh có địa thế “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, là một địa bàn có điều kiện để phát triển thành căn cứ địa lâu dài. Tổ thanh niên cứu quốc Mường Chanh “Mũ nóm chất mương” ra đời gồm 12 hội viên, đã nhanh chóng thu hút được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng và tham gia. Cả 8 bản của khu căn cứ cách mạng Mường Chanh đều có cơ sở cách mạng. Các tổ thanh niên cứu quốc, đội du kích được thành lập, chuẩn bị mọi điều kiện để khi thời cơ đến sẽ phát động tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Ngày 19/8/1945, Trung đội du kích Mường Chanh cùng đông đảo nhân dân tiến vào bao vây nhà chánh phìa buộc chúng đầu hàng và trao nộp ấn tín cho cách mạng. Cuộc khởi nghĩa ở Mường Chanh thắng lợi nhanh chóng. Khởi đầu từ căn cứ Mường Chanh, khởi nghĩa giành chính quyền đã liên tiếp thắng lợi ở các châu Mường La, Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu và ngày 26/8/1945, Ủy ban cách mạng lâm thời ra mắt đồng bào, tuyên bố khởi nghĩa ở Sơn La hoàn toàn thắng lợi.

Gần 100 tuổi đời, trải qua những năm tháng gian khổ, ác liệt nhất của chiến tranh, cụ Lò Văn Chim, nguyên chiến sỹ đội du kích Mường Chanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Mường Chanh ở bản Nong Ten, may mắn hơn những người đồng đội một thời, vì được chứng kiến sự phát triển của xã nhà trong thời kỳ đổi mới, hội nhập. Ông Chim phấn khởi nói: Từ vùng đất còn nhiều gian khó ngày nào, nay đã khoác lên mình diện mạo mới, điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang;  người dân tích cực thi đua lao động sản xuất, khai thác hiệu quả và phát huy thế mạnh địa phương, cuộc sống ngày càng no ấm.

Đến các bản trong xã, chúng tôi đều cảm nhận được sự năng động của người dân trong phát triển kinh tế. Phát huy thế mạnh ở địa phương, Mường Chanh đã xác định hướng phát triển kinh tế phù hợp, trong đó, cây cà phê là một trong những cây trồng kinh tế chủ lực với tổng diện tích gần 450 ha cà phê, liên kết sản xuất gắn với chế biến; duy trì hơn 130 ha lúa nước. Chăn nuôi được chú trọng mở rộng quy mô đàn, với gần 2.000 con gia súc và hơn 25.000 con gia cầm. Các hộ ở trung tâm xã đã đầu tư phát triển kinh doanh, dịch vụ đa dạng các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của bà con trong bản, trong xã và mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

Nhân dân xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn tham quan phòng trưng bày truyền thống của xã.

Ông Cầm Văn Nhất, Chủ tịch UBND xã, thông tin: Hiện, Mường Chanh đã tập trung liên kết sản xuất, thành lập các HTX để đẩy mạnh chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực là cà phê và đặc sản nếp tan nhe địa phương. Toàn xã hiện có 6 HTX hoạt động, gồm: HTX xây dựng và phát triển nông thôn Mường Chanh liên kết sản xuất với 2.000 hộ dân chuyên thu mua, sơ chế cà phê tại địa phương và huyện Thuận Châu, Thành phố; 3 HTX sản xuất nếp tan nhe địa phương; HTX Quyết Chí và HTX Tiến Hùng chuyên kinh doanh vật tư nông nghiệp đầu vào, vật liệu xây dựng và sản xuất cây ăn quả... Thu nhập bình quân đầu người tăng đều qua các năm. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 3,06%. Năm 2018, xã Mường Chanh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, diện mạo trên những vùng quê đã được đổi mới. Cơ sở hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ. 

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Mường Chanh đang tiếp tục vận động nhân dân giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Để hoàn thành mục tiêu đó, từ đầu năm đến nay, xã đã vận động xã hội hóa xóa nhà tạm cho 2 hộ nghèo, vận động nhân dân đóng góp trên 160 triệu đồng trồng khắc phục 23 ha rừng, trồng mới hơn 4 ha sản xuất bằng cây mắc ca và trồng trên 1.000 cây ranh giới...

Tiếp nối truyền thống vẻ vang, khu căn cứ cách mạng năm xưa nay đã trở thành vùng nông thôn mới, với hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang; những ngôi nhà cao tầng, các quầy hàng đầy ắp hàng hóa và những con đường bê tông rộng rãi đi qua các bản; đời sống nhân dân ngày càng sung túc. Vượt qua mọi khó khăn, Mường Chanh đang khởi sắc từng ngày, xứng đáng với truyền thống Anh hùng của quê hương cách mạng năm xưa.

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới