Mùa tôm sông

Khi hoa ban nở rộ trên các sườn đồi, cũng là lúc bà con các xã ven lòng hồ sông Đà của huyện Mường La vào mùa đánh bắt tôm sông. Tuy là một nghề trong lúc nông nhàn, nhưng đã đem lại thu nhập đáng kể cho bà con vùng sông nước nơi đây.

Người dân bản Xu Xàm, Chiềng Lao (Mường La) đánh bắt tôm sông. 

Trước đây, bà con ở các xã: Tạ Bú, Chiềng Lao, Hua Trai, Mường Trai, Chiềng Hoa đánh bắt tôm sông, nhưng quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt của gia đình, nếu đánh bắt được nhiều đem biếu người quen, họ hàng. Nhưng hiện nay, nhiều người gắn bó với nghề đánh tôm sông và coi đó như một nghề mưu sinh chính.

Một ngày đầu tháng 3, chúng tôi có mặt tại bến thuyền xã Chiềng Lao vào sáng sớm, lúc đó có nhiều người dân chuẩn bị túi lưới đựng tôm, nón lá, đèn pin đi vớt rọ tôm. Tiếng thuyền máy nổ vang cả một vùng sông nước. Chúng tôi được ông Lò Văn Thái, bản Nà Nong, xã Chiềng Lao cho đi cùng vớt rọ tôm. Ngồi trên thuyền máy ra khu vực đánh tôm mất khoảng 20 phút, vừa lái thuyền ông Thái vừa trò chuyện về nghề đánh  bắt tôm sông, ông Nói: Từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 7, là thời điểm hiệu quả nhất để đánh bắt tôm, cứ khoảng 4 - 5 giờ chiều hôm trước thả rọ đặt mồi, 5 - 6 giờ sáng hôm sau đi vớt rọ tôm. Mỗi ngày tôi đánh được từ 8 - 12 kg tôm, bán 45.000 - 50.000 đồng/kg, thu 400 - 500 nghìn đồng.

Cạnh khu vực đánh tôm của ông Thái, anh Lò Văn Ngắm, bản Xu Xàm, xã Chiềng Lao, cũng đang đánh tôm, cho biết: Trước đây, bà con chủ yếu đánh tôm bằng rọ nứa, kích cỡ nhỏ, nhanh hỏng, nên thu được ít tôm. Từ khi chuyển sang sử dụng rọ vuông làm bằng cước nhựa, gọn nhẹ chuyên bắt tôm to đã thu được nhiều tôm hơn. Tôm loại to thương lái mua 100 nghìn đồng/kg, đánh bắt được bao nhiêu thương lái đến mua hết.

Điểm thu mua tôm sông của gia đình ông Cao Văn Quý, xã Chiềng Lao (Mường La).

Gần trưa, thuyền của chúng tôi ghé vào một bãi bồi ven sông. Những con tôm sông to gần bằng ngón tay được anh Ngắm vớt lên từ túi cước còn tươi rói, được cắt râu, rửa sạch rồi bắc chiếc chảo nhỏ trên bếp ga mini cho tôm vào rang với hành lá, rắc thêm chút muối hạt, mùi tôm rang thơm lừng, ăn với xôi nếp chuẩn bị sẵn từ nhà, cảm nhận được độ ngọt tự nhiên, chắc thịt của tôm sông Đà. Sau bữa trưa, chúng tôi mang số tôm bắt được đến điểm thu mua quen thuộc tại bến thuyền Chiềng Lao bán cho thương lái. Ước tính ông Thái và anh Ngắm mỗi người thu được khoảng 8 kg tôm.

Tại các xã ven sông của huyện Mường La thường xuyên có từ 2 - 3 điểm thu mua tôm của các thuyền đánh tôm từ các ngả mang về. Ông Cao Văn Quý, bản Nà Nong, xã Chiềng Lao cho biết: Quê tôi ở tỉnh Phú Thọ, lên đây định cư, 7 năm qua tôi thu mua tôm của bà con đánh bắt trên lòng hồ thủy điện Sơn La. Mỗi ngày, gia đình tôi thu mua từ 5 - 7 tạ tôm của người dân các xã dọc sông Đà trên địa bàn huyện. Vào mùa tôm, có ngày thu mua được 1,3 tấn tôm tươi, mang đi tiêu thụ tại các tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Hà Nội. Gia đình tôi đã tạo việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động địa phương để phân loại tôm, vận chuyển tôm lên xe, với mức tiền công 150 - 200 nghìn đồng/người/ngày.

Sau nửa ngày thu hoạch tôm sông, người đánh tôm lại neo thuyền trở về và chuẩn bị cho chuyến thả rọ bắt tôm vào xế chiều để tiếp tục thu hoạch tôm vào sáng sớm ngày hôm sau, với hy vọng số lượng tôm đánh bắt trong mỗi chuyến sẽ ngày càng tăng lên, để cải thiện đời sống.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới