Mùa măng ngọt trên đất Tân Lang

Khi những cơn mưa đầu xuân xuất hiện cũng là lúc báo hiệu vào mùa măng vầu, măng đắng ở xã Tân Lang (Phù Yên). Vài năm trở lại đây, các loại măng này được nhiều người ưa chuộng, thương lái đến tận nơi thu mua, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân nơi đây.

Người dân bản Đu Lau, xã Tân Lang (Phù Yên) thu hoạch măng.

Tìm hiểu được biết, giống tre vầu và măng đắng được trồng từ những năm 1990 trên đất nương, đất đồi bạc màu không còn khả năng canh tác, người dân trồng để giữ đất, chống xói mòn, có thêm nguồn thực phẩm phục vụ bữa ăn hằng ngày. Diện tích mở rộng theo từng năm, nhà trồng ít có vài nghìn mét, nhà trồng nhiều thì 3 - 4 ha, 100% diện tích trồng đến nay đều đã cho thu hoạch măng. Theo thống kê, xã Tân Lang hiện có gần 300 ha đất trồng tre lấy măng, tập trung ở các bản: Đu Lau, Suối Lèo, Yên Thịnh, bản Cà... sản lượng đạt trên 1.800 tấn/năm, vụ măng bắt đầu từ cuối tháng 2 đến hết tháng 5 hằng năm.

Trải nghiệm công việc thu hoạch măng cùng người dân nơi đây, đúng 6 giờ sáng, chúng tôi theo anh Triệu Văn Dồm, bản Đu Lau lên khu rừng vầu. Khu rừng trồng tre vầu lấy măng của gia đình anh rộng hơn 3 ha và 1 ha trồng măng đắng. Những cây vầu già, non đan xen lẫn nhau, nhiều cây vầu có cả rêu phủ kín gốc, chỉ có một vài lối mòn cho người đi thu hoạch và vận chuyển măng.

Vừa phát quang gốc vầu, tìm và đào măng, anh Triệu Văn Dồm, chia sẻ: Để thu hoạch được nhiều măng, phải quan sát kỹ những chỗ đất xốp, nứt nhẹ, ngọn măng phát triển từ gốc sẽ đội đất nổi lên, lấy thuổng đào nhẹ xung quanh cây măng khi đến gốc cây măng thì dùng dao sắc hoặc lưỡi thuổng chặt ngang gốc dứt khoát để tránh măng bị dập. Người biết đào măng, sức khỏe tốt có thể đào được 1 tạ măng/ngày. Măng đầu mùa thường trắng, mềm, ngọt, giòn, khi có những cơn mưa rào kèm tiếng sấm, sét thì những cây măng bắt đầu mọc nhanh và có vị đắng tăng dần lên. Măng đắng cho thu hoạch sau măng vầu khoảng 1 tháng. Mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch từ 20-22 tấn măng tươi, bán cho các điểm thu mua măng gần nhà giá trung bình từ 9-13 nghìn đồng/kg, thu nhập từ 180-220 triệu đồng/vụ măng.

Cũng trồng măng như gia đình anh Dồm, gia đình anh Lý Văn Dần, bản Suối Lèo, phấn khởi nói: Nhà tôi trồng được hơn 2 ha giống tre vầu lấy măng. 3 vụ trước, mỗi vụ đều thu được trên 10 tấn măng tươi, thu nhập trên 130 triệu đồng/vụ. Từ đầu vụ măng đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch được hơn 1 tấn măng tươi, đầu mùa sản lượng ít nhưng được giá, trung bình từ 18-20 nghìn đồng/kg, ước cả vụ năm nay sẽ thu được 12-13 tấn măng tươi, hy vọng sẽ thu khoảng 200 triệu đồng.

Cũng theo anh Dần, tre vầu lấy măng dễ trồng, khi cây lên rồi nó sẽ tự phát triển lan rộng ra thành bụi khác, mỗi năm chỉ cần tỉa thưa cây già và dọn cây bụi, dây leo nên mất ít công chăm sóc mà thu nhập lại ổn định. Thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục trồng thêm khoảng 1 ha giống tre vầu lấy măng.

Thời điểm này, tuy mới đầu vụ thu hoạch măng, nhưng dọc quốc lộ 32B đoạn qua xã Tân Lang có hàng chục điểm bán lẻ măng và 5 - 6 điểm thu mua măng tươi cho bà con trong xã, măng được đóng vào bao tải dứa để xe tải chuyển về các chợ đầu mối ở thành phố Sơn La, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... tiêu thụ. Đầu mùa, trung bình mỗi điểm thu mua từ 1 - 2 tấn măng/ngày, vào giữa vụ có những điểm thu mua từ 10 - 20 tấn măng tươi/ngày. Ngoài ra, những cây vầu từ 3 - 4 năm tuổi được người dân khai thác tỉa thưa để bán cho các công trình xây dựng làm cốp pha hoặc người dân trong huyện, các huyện lân cận làm kho bãi, chuồng trại chăn nuôi, với giá từ 20 - 30 nghìn đồng/cây.

Chia tay Tân Lang trong mùa măng ngọt. Tôi vẫn nhớ như in lời anh Dồm chia sẻ: muốn có mùa măng phải biết yêu rừng, yêu mảnh đất nơi mình đang sống. Cũng từ ý niệm ấy, xã Tân Lang đang tuyên truyền, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng giống tre vầu, giống măng đắng, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống xói mòn rửa trôi, sạt lở đất, góp phần nâng cao độ che phủ rừng và giúp người dân trên địa bàn xã có thêm thu nhập.

Trường Sơn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới