“Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”

Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ tháng 1/2008. Qua 10 năm thực hiện, cuộc vận động đã triển khai đến các đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh và nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền và đông đảo nhân dân, các tổ chức doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia, góp phần chăm lo đời sống vật chất, động viên tinh thần đối với người nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh và tình nguyện viên phát thuốc miễn phí cho người dân xã Mường Bằng (Mai Sơn).

Thực hiện Kế hoạch số 300/KH-TƯHCTĐ ngày 17/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về việc thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể theo sự chỉ đạo của Trung ương Hội, trong đó yêu cầu các cấp Hội báo cáo với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện để cuộc vận động đạt kết quả. Đồng thời, các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền nội dung cuộc vận động bằng nhiều hình thức khác nhau: Phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Sơn La, các cơ quan thông tin địa chúng của Trung ương đóng trên địa bàn xây dựng các phóng sự, bài phản ánh về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động; lồng ghép trong các buổi hội nghị, hội thảo; treo băng giôn, khẩu hiệu, phát tờ rơi... qua đó kêu gọi các tổ chức, cá nhân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia cuộc vận động. Đồng thời, hướng dẫn các huyện, Thành phố khảo sát đối tượng có hoàn cảnh khó khăn để lập hồ sơ các địa chỉ cần giúp đỡ. Hội Chữ Hội Chữ thập đỏ các cấp đã chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá hồ sơ, tiến hành công khai, dân chủ danh sách đối tượng cần trợ giúp, đồng thời vận động, giới thiệu địa chỉ đã được khảo sát đến các đơn vị, cá nhân có tấm lòng hảo tâm đăng ký, giúp đỡ lâu dài bền vững.

Thực hiện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã khơi dậy tình cảm, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của toàn xã hội. Sau 10 năm, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh đã khảo sát, lập 53.256 hồ sơ các địa chỉ nhân đạo cần trợ giúp, những địa chỉ này hầu hết là nạn nhân chất độc da cam, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, học sinh nghèo vượt khó, hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Đến nay, số địa chỉ đã được trợ giúp là 26.940, trong đó Hội Chữ thập đỏ trợ giúp 13.493 địa chỉ, còn 13.447 địa chỉ thông qua Hội giới thiệu các tổ chức, cá nhân trợ giúp với tổng số tiền hơn 20,4 tỷ đồng. Hình thức trợ giúp chủ yếu là xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà tình thương, nhà chữ thập đỏ; hỗ trợ vay vốn phát triển chăn nuôi; hỗ trợ trâu, bò giống; khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; hỗ trợ hằng tháng bằng tiền mặt, học bổng cho học sinh nghèo vượt khó...

Bên cạnh các hoạt động trợ giúp đúng đối tượng, đúng địa chỉ, các cấp hội chữ thập đỏ đã xây dựng nhiều mô hình hoạt động xã hội nhân đạo tiêu biểu, như: Mô hình hỗ trợ nhà chữ thập đỏ, bếp ăn tình thương, ngân hàng bò, cấp sổ trợ cấp, cấp gạo, học bổng... thông qua các mô hình đã giúp 53.836 lượt bệnh nhân được hỗ trợ bữa ăn sáng miễn phí; 47 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn làm nhà Chữ thập đỏ; giúp 1 điểm Trường Mầm non Mường Bằng (Mai Sơn) xóa nhà lớp học tạm; cấp 110 con bò sinh sản cho 110 hộ nghèo; trợ cấp thường xuyên cho 11 cụ già cô đơn. Các mô hình xã hội nhân đạo đã tác động lớn đến toàn thể cán bộ, hội viên và nhân dân trong tỉnh tạo hiệu ứng lan tỏa với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, “Nhường cơm sẻ áo”...

Bà Cầm Thị Hồng Chuyên, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết: Đối tượng có hoàn cảnh khó khăn cần được trợ giúp trên địa bàn tỉnh còn rất lớn. Để thời gian tới giúp đỡ được nhiều địa chỉ hơn nữa, Hội Chữ thập đỏ các cấp tiếp tục tuyên truyền trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Cuộc vận động, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương chăm lo các đối tượng khó khăn vươn lên trong cuộc sống, gắn việc thực hiện cuộc vận động với các phong trào thi đua của các cấp Hội nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, Hội Chữ thập đỏ các cấp tập trung khảo sát, nắm chắc nhu cầu cần trợ giúp của từng đối tượng; xây dựng kế hoạch vận động nguồn lực theo từng năm, nắm bắt thông tin nhà tài trợ tiềm năng để định hướng hình thức trợ giúp cho các đối tượng mang tính thiết thực, bền vững. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ tỉnh sẽ chủ động đề xuất dự án, kêu gọi các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ thực hiện các dự án phát triển cộng đồng tại các xã nghèo, trọng điểm thiên tai, nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó của cộng đồng với thiên tai, thảm họa, biến đổi khí hậu, cải thiện sinh kế cho cộng đồng trong vùng thường xuyên bị ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa và biến đổi khí hậu.

Với những cách làm hay, thiết thực, Cuộc vận động “Mỗi tổ chức cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã góp phần xã hội hóa công tác nhân đạo, thật sự trở thành cầu nối, đưa những tấm lòng hảo tâm đến với những số phận kém may mắn, những địa chỉ khó khăn cần được sẻ chia, giúp đỡ họ vươn lên trong cuộc sống.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới