Mộc Châu trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ

Sau khi được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 1998, Di tích Đồn Mộc Lỵ được bàn giao cho UBND huyện Mộc Châu quản lý. Đến nay, Di tích đã và đang được địa phương gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử, trở thành địa chỉ thu hút du khách khi đến với Mộc Châu.

Đài tưởng niệm ghi danh các liệt sỹ tại Di tích lịch sử Đồn Mộc Lỵ

Di tích Đồn Mộc Lỵ nằm ở vị trí từ quốc lộ 6 đi cửa khẩu Lóng Sập chỉ khoảng 1km. Tấm bia lịch sử Đồn Mộc Lỵ nằm giữa khoảng sân rộng cùng khuôn viên của Trường THCS Tây Tiến đã ghi lại chiến công oanh liệt của bộ đội ta. Đồn Mộc Lỵ được thực dân Pháp xây dựng từ năm 1951, trên núi với vách đá tai mèo dựng đứng, án ngữ ngã ba đường quốc lộ 6 từ Hà Nội lên Tây Bắc, quốc lộ 43 từ Việt Nam sang vùng Thượng Lào. Do có địa thế hiểm trở, mức độ kiên cố cao, bố trí hoả lực dày đặc nên được mệnh danh là “Chiếc áo giáp sắt” bất khả xâm phạm của thực dân Pháp ở phân khu Sơn La. Thực dân Pháp bố trí ở Mộc Lỵ hơn một tiểu đoàn, được trang bị nhiều vũ khí có hỏa lực mạnh do tên quan ba Pháp Vanh - Xăng chỉ huy. Vì đây là cứ điểm rất quan trọng nên ngay từ khi ta bắt đầu mở chiến dịch, tướng Pháp Đờ-ly-na-rét đã đích thân tới đây để kiểm tra việc bố trí phòng và giao nhiệm vụ cho sĩ quan, binh lính, phải chống giữ đến cùng khi bị tấn công. Đêm 19 tháng 11 năm 1952, ta đột nhập, giải tán trại tập trung, đưa dân ra vùng an toàn và siết chặt vòng vây quanh vị trí đồn. Đúng 23 giờ 30 phút đêm 19 tháng 11, ta bắt đầu nổ súng tiến công. Sau 3 giờ chiến đấu vô cùng ác liệt, giành từng tấc đất, từng mét hào, trận đánh đồn Mộc Lỵ kết thúc thắng lợi. Cứ điểm Mộc Lỵ bị tiêu diệt gọn. Cái “lá chắn thép” trên cửa ngõ phía nam Tây Bắc bị đập tan. Ta tiêu diệt và bắt sống 350 tên địch, trong đó có tên quan ba Vanh - Xăng cùng một số sĩ quan, thu hơn 500 khẩu súng các loại cùng toàn bộ kho vũ khí, quân trang, quân dụng và lương thực, thực phẩm, giải phóng trên 1.000 dân. Với chiến thắng Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu được giải phóng, thoát khỏi ách kìm kẹp của thực dân Pháp...

Để ghi nhớ chiến công, tôn vinh các liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, UBND huyện Mộc Châu đã lập hồ sơ và được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định công nhận Di tích Đồn Mộc Lỵ là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào năm 1998. Năm 2002, huyện Mộc Châu đã xây dựng Đài tưởng niệm ghi danh các liệt sĩ đã hy sinh tại Đồn Mộc Lỵ. Năm 2009, 2010 từ nguồn kinh phí của  Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, huyện đã làm các con đường nối các lô cốt và bậc lên đài chỉ huy trên đỉnh núi, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan. Năm 2017, huyện Mộc Châu quyết định lập dự án trùng tu, tôn tạo di tích đồn Mộc Lỵ để phát huy giá trị của di tích trong giáo dục truyền thống, đưa di tích trở thành điểm du lịch về nguồn sâu đậm và ý nghĩa, điểm tâm linh, tôn thờ các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì hạnh phúc của nhân dân và sự phát triển của huyện Mộc Châu. Nhiều trường học trong và ngoài huyện thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa, trải nghiệm tìm hiểu về lịch sử địa phương tại di tích, với những bài thuyết minh tuyên truyền các giá trị của di tích, những tấm gương hy sinh dũng cảm của các chiến sỹ bộ đội cho công cuộc giải phóng đất nước.

Đồng chí Phạm Thị Nhung, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Mộc Châu, cho biết: Để thực hiện dự án, huyện Mộc Châu đã hợp đồng với đơn vị tư vấn, khảo sát, thiết kế trên cơ sở tôn trọng cảnh quan, bảo vệ nguyên trạng các hạng mục còn lại của di tích. Đồng thời, lấy ý tưởng từ trận đánh, thiết kế một số hạng mục phụ trợ phù hợp với kiến trúc của di tích và bản sắc văn hóa địa phương. Sau một thời gian chỉnh sửa đến nay, bản thiết kế tổng thể trùng tu, tôn tạo di tích đã hoàn thành và đang chờ xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức sưu tầm tài liệu, hiện vật, gặp mặt các nhân chứng lịch sử, các chiến sỹ tham gia trận đánh, xác minh thông tin các liệt sỹ tại Sư đoàn 316, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, tỉnh Hải Dương. Trên cơ sở danh sách 53 liệt sỹ được trích lục tại Sư đoàn 316 năm 1997, huyện đã gửi công văn tới sở Lao động, Thương binh, và Xã hội các tỉnh để xác minh. Đến thời điểm này, huyện đã xác minh thêm thông tin của 12 liệt sỹ chưa được đưa vào danh sách được lập từ năm 1997, nâng tổng số danh sách các liệt sỹ hy sinh trong trận đánh đồn Mộc Lỵ  tháng 11/1952 của 12 tỉnh, thành phố lên  65 liệt sỹ. Trong đó, đã xác định rõ thông tin 37 liệt sỹ, có hồ sơ được quản lý tại Sư đoàn 316 và sở Lao động, Thương binh, và Xã hội các tỉnh; còn lại 28 liệt sỹ chưa xác định được hồ sơ do đơn vị nào quản lý. Hiện nay, huyện vẫn tiếp tục xác minh, tìm kiếm những thông tin liên quan đến những liệt sỹ này. Huyện cũng đã tổ chức Hội thảo “Trùng tu, tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Đồn Mộc Lỵ” vào cuối năm 2018 nhằm làm rõ các chứng cứ lịch sử; thống nhất phương án trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị của di tích trong giáo dục truyền thống, phát triển KT-XH, QPAN của địa phương; thống nhất các giải pháp sưu tầm thông tin, di vật, tranh ảnh,... về  trận đánh, chuẩn bị tư liệu để xây dựng cuốn sách “Trận đánh Đồn Mộc Lỵ”.

Trước đây, du khách đến Mộc Châu, cũng như một số bộ phận người dân trên địa bàn ít người biết đến sự tồn tại của di tích này, song với sự quan tâm kịp thời của cấp ủy, chính quyền huyện, Đồn Mộc Lỵ không những là địa chỉ đỏ cho thế hệ trẻ ôn lại lịch sử hào hùng của nhân dân ta, là nơi giáo dục, nuôi dưỡng truyền thống yêu nước, mà còn là điểm đến thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.

Vũ Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới