Mộc Châu chủ động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Mộc Châu xuất hiện thời tiết cực đoan, dẫn đến gió lốc, mưa đá, lũ lụt, sạt lở đất,... gây thiệt hại về người và tải sản của nhân dân. Công tác khắc phục hậu quả, triển khai phương án phòng chống thiên tai, di chuyển dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn luôn được huyện chú trọng, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Gia đình ông Triệu Văn Pọc, bản Co Phay,

xã Tân Lập (Mộc Châu) đã được hỗ trợ di chuyển đến nơi ở mới an toàn.

Từ năm 2018 đến nay, thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn huyện Mộc Châu ước tổng trị giá gần 140 tỷ đồng. Ngay sau các đợt thiên tai, các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN và lãnh đạo các cơ quan, đoàn thể chính trị trong huyện đã trực tiếp xuống các địa phương, huy động lực lượng giúp các hộ hơn 2.500 ngày công sửa nhà, di chuyển, dựng nhà ở mới, dựng 59 nhà bạt cho nhân dân ở tạm; tận dụng, sửa chữa 8 lán nương của nhân dân làm nơi ở tạm cho bà con; tổ chức tháo dỡ, bốc xếp, vận chuyển và dựng 127 nhà tái định cư cho 127 hộ gia đình thuộc bản Pơ Nang, bản Suối Chanh và bản Suối Sáy đến khu tái định cư bản Sam Kha (Tân Hợp); tổ chức phát quang, dọn dẹp 3,5 km đường giao thông nội bản...

Ông Trần Xuân Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mộc Châu cho biết: Đến nay, các hộ dân có nhà bị ảnh hưởng hoặc ở vùng nguy hiểm do mưa lũ trên địa bàn huyện đã được di chuyển đến nơi ở mới an toàn, đời sống sinh hoạt của bà con cơ bản ổn định. Hiện, bà con đang tập trung khôi phục sản xuất...

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc, từ tháng 6 đến tháng 10/2019 là thời kỳ cao điểm của mùa mưa năm nay. Để chủ động trong PCTT&TKCN, hiện nay, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Mộc Châu tăng cường kiểm tra, rà soát các công trình hạ tầng như: thủy lợi, các tuyến đường giao thông, trường học, trạm y tế, hệ thống điện, thông tin liên lạc, các điểm dân cư, nhất là các khu thường xảy ra sạt lở đất, ngập úng và động đất để xây dựng phương án PCTT&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ” chi tiết, cụ thể, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng. Qua đó, giúp cơ sở, đơn vị chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả khi có thiên tai xảy ra, kiên quyết xử lý nghiêm những sai phạm về an toàn các hồ, đập và thoát lũ; chỉ đạo việc dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc phòng, chống dịch bệnh, các nhu yếu phẩm khác trong mùa mưa lũ, nhất là đối với vùng sâu, vùng cao, vùng giao thông đi lại khó khăn thường xuyên bị ách tắc trong mùa mưa lũ. Tổ chức trực 24/24 giờ, theo dõi sát diễn biến mưa, lũ; bố trí lãnh đạo thường trực chỉ huy xử lý các tình huống mưa lũ và thiên tai xảy ra; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, công cụ, thiết bị PCTT&TKCN sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ, sơ tán dân khi có mưa lũ và thiên tai xảy ra; bảo đảm an ninh - trật tự an toàn xã hội tại các vùng bị ảnh hưởng mưa lũ. Đánh giá, xác minh chính xác thiệt hại, nhanh chóng khắc phục hậu quả, giúp nhân dân ổn định đời sống, phục hồi sản xuất, phòng chống dịch bệnh, xử lý môi trường sau lũ lụt...

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới