Mở rộng quy mô HTX, sản xuất theo hướng hiệu quả, bền vững

Thành phố hiện có 54 hợp tác xã, hoạt động trong 3 lĩnh vực chính gồm: hợp tác xã nông - lâm; hợp tác xã thương mại-dịch vụ và hợp tác xã khác (hợp tác xã tổng hợp: nông nghiệp, thương mại, dịch vụ). Tổng số vốn điều lệ hoạt động trên 71 tỷ đồng, với 511 thành viên tham gia. Những năm qua, các HTX trên địa bàn luôn chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững; chủ động liên doanh liên kết để tiêu thụ sản phẩm...

 

Mô hình nuôi gà thảo dược của HTX Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tâm (Thành phố).

 

Để khắc phục các hạn chế của các hợp tác xã là hầu hết đều thiếu vốn, thiếu kiến thức, nhiều HTX quy mô nhỏ, năng lực tài chính, quản trị sản xuất, kinh doanh chưa đáp ứng, cơ sở vật chất, công nghệ lạc hậu, thiếu sự liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp, chậm tiếp cận cơ chế, chính sách, Thành phố đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn Ban giám đốc các HTX tổ chức hoạt động theo Luật HTX năm 2012; mở các lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất, tập trung vào sản xuất nông nghiệp sạch theo quy trình VietGAP; tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi... Bên cạnh đó, hỗ trợ vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hướng dẫn phương thức điều hành hoạt động và kết nối với các doanh nghiệp bảo đảm đầu ra cho sản phẩm... Trong giai đoạn 2011-2019, Thành phố đã hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng cho các HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất chăn nuôi, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, công nghệ mới; tham gia các chương trình mục tiêu, phát triển kinh tế- xã hội.

 

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các HTX chủ động nghiên cứu, học hỏi, áp dụng kiến thức khoa học tiên tiến vào thực tế sản xuất. Trong số này, nổi bật là HTX Đầu tư và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tâm. Ông Phạm Bảo Chung, Giám đốc HTX cho hay từ đầu năm 2019 đã tập trung chăn nuôi gà thảo dược. Ngay trong năm 2020, HTX dự kiến bán ra thị trường hơn 10.000 con gà với giá 90.000 - 100.000 đồng/kg. HTX đang tính toán mở rộng quy mô, liên kết để vừa được hỗ trợ kỹ thuật, vừa có nguồn giống đảm bảo chất lượng. Còn HTX Nậm La (Thành phố) chuyên về lĩnh vực dịch vụ ăn uống, ẩm thực dân tộc và dệt may hàng thổ cẩm dân tộc Thái đã đạt được thành công với việc đầu tư cơ sở nhà hàng mang đậm bản sắc văn hóa Thái. Bình quân mỗi năm đón trên 40.000 lượt khách đến thưởng thức các món ăn, mua bán các sản phẩm thổ cẩm dân tộc do chính các hội viên của HTX dệt may. Theo bà Cà Thị Thỏa, Giám đốc HTX Nậm La, để thu hút được khách hàng, HTX luôn chú trọng để các dịch vụ đảm bảo chất lượng, các món ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, các sản phẩm thổ cẩm sản xuất ra phải đa dạng, phong phú và đẹp về mẫu mã.

 

Được biết, năm 2020, Thành phố dành hơn 4 tỷ 800 triệu đồng để hỗ trợ các HTX xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; ứng dụng KHKT, công nghệ mới; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và hỗ trợ chế biến sản phẩm. Thành phố cũng đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch phát triển của hệ thống HTX, tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật để các HTX xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp đủ điều kiện cấp mã vùng trồng và cấp chứng chỉ VietGAP, GlobalGAP... phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...

 

 Việc liên kết thành lập HTX, phát triển kinh tế tập thể đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp các thành viên HTX thay đổi phương thức sản xuất, tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đây là điều kiện quan trọng để các HTX tiếp tục thu hút thêm nhiều thành viên tham gia, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng hiệu quả và phát triển bền vững.

Quỳnh Ngọc
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới