Mở rộng mạng lưới giao thông, đáp ứng sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức ký Quyết định thành lập Bộ Giao thông công chính, đánh dấu sự ra đời của ngành Giao thông vận tải. Trong suốt chặng đường 74 năm xây dựng và phát triển, ngành GTVT Việt Nam nói chung, ngành GTVT Sơn La nói riêng luôn phát huy vai trò “đi trước mở đường”, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông phát triển theo hướng đồng bộ, hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh vận tải, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Quốc lộ 37 qua địa phận huyện Mai Sơn.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Sơn La giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, tất cả mọi hoạt động chi viện lực lượng, vận chuyển vũ khí, lương thực... từ đồng bằng lên Điện Biên Phủ đều phải qua Sơn La. Trong những tháng ngày khốc liệt ấy, xây dựng và bảo vệ các tuyến đường ra tiền tuyến trên địa bàn Sơn La là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Dưới “mưa bom, bão đạn”, cán bộ chiến sỹ, công nhân viên ngành GTVT cùng lực lượng thanh niên xung phong đã không tiếc máu xương, bảo đảm mạch máu giao thông luôn thông suốt, đưa người và phương tiện lên chiến trường, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Sau khi đất nước giải phóng, ngành GTVT Sơn La kịp thời chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất và sẵn sàng chiến đấu sang phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, ngành đã tổ chức sắp xếp lại các đơn vị sản xuất kinh doanh, phối hợp với các lực lượng của Bộ Giao thông vận tải triển khai nhiều dự án lớn: Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường Sơn La - Tuần giáo (QL6), xây dựng bến phà Tạ Khoa, phà Sông Mã, cầu Trắng Sơn La...

Trong thời kỳ đổi mới, ngành GTVT tích cực thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, đầu tư phát triển mạng lưới giao thông, hàng loạt công trình quan trọng được khởi công và đưa vào sử dụng, kết nối các vùng kinh tế, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa thành thị và nông thôn, vùng thấp và vùng cao. Đến nay, hệ thống giao thông đường bộ toàn tỉnh có 1.840 tuyến, dài 10.345 km, nâng mật độ đường ô-tô từ 0,05km/km² năm 1963 lên 0,72km/km² hiện nay. Trong đó, 10 tuyến quốc lộ dài 884,6 km; 16 tuyến đường tỉnh dài 922 km; 135 tuyến đường huyện dài 2.057 km; 138 tuyến đường đô thị dài 143 km; 1.516 tuyến đường xã dài 6.056 km; 25 tuyến đường chuyên dùng dài 282 km; khoảng 16.773 km đường dân sinh..., tỷ lệ cứng hóa đạt 37%, tất cả các xã đều có đường ô-tô đến trung tâm; 177/204 xã có đường ô-tô đi được cả 4 mùa...

Cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, ngành GTVT quan tâm đổi mới hoạt động, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát triển đồng bộ các loại hình vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và vận tải hàng hóa. Toàn tỉnh hiện có gần 50 doanh nghiệp tham gia vận tải hành khách; trên 107 tuyến cố định liên tỉnh và 32 tuyến cố định nội tỉnh với 452 phương tiện, sức chứa từ 16 đến 44 ghế ngồi hoặc giường nằm. Các bến xe được xây dựng mới, nâng cấp cải tạo theo quy hoạch (12 bến xe khách đạt tiêu chuẩn từ loại 6 đến loại 2). Trên 700 đơn vị kinh doanh vận tải, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải... với trên 1.300 xe tải, xe đầu kéo các loại. Vận tải đường thủy trên sông Đà, sông Mã có tổng chiều dài 486km, với trên 2.500 phương tiện hoạt động. Các doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh đáp ứng tốt nhu cầu vận tải, đi lại của nhân dân, chất lượng dịch vụ ngày càng được nâng cao. Vận tải hàng hóa đã đến được vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, đáp ứng nhu cầu cung cấp và tiêu thụ hàng hóa.

Thực hiện công tác cải cách hành chính, ngành GTVT thực hiện tốt việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân và doanh nghiệp. Nổi bật là tạo bước đột phá trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, giải quyết nhanh gọn, thuận lợi thủ tục hành chính cho người dân; công tác quản lý, cấp đổi giấy phép lái xe tiến hành theo quy trình hiện đại; duy trì trả Giấy phép lái xe qua dịch vụ bưu chính công ích; thực hiện đổi GPLX tại Trung tâm Hành chính công của tỉnh, tại các trung tâm bưu điện huyện, thành phố... Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban An toàn giao thông, ngành GTVT phối hợp với các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đầu tư hệ thống đèn tín hiệu, biển báo giao thông... góp phần giảm số vụ tai nạn giao thông cả 3 tiêu chí (số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương)...

Hoạt động giao thông đường thủy trên sông Đà khu vực huyện Quỳnh Nhai phát triển với tốc độ nhanh.

Cùng với việc triển khai hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên lĩnh vực giao thông vận tải, ngành GTVT đang tham mưu với tỉnh triển khai một số dự án trọng điểm trên địa bàn, như: Cảng hàng không Nà Sản; quốc lộ 6 đoạn tránh Thành phố; cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu...; đầu tư phát triển mạng lưới giao thông, phương tiện vận tải đường bộ, đường sông ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách về thời gian, không gian giữa các vùng miền, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Việt Anh
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới