Mô hình nuôi ong mật ở bản Tốc Lìu

Bản Tốc Lìu, xã Dồm Cang (Sốp Cộp) được giao khoanh nuôi, bảo vệ hơn 200 ha rừng. Từ lợi thế của diện tích rừng này, những năm qua, các hộ dân trong bản đã phát triển nghề nuôi ong mật, nâng cao thu nhập.

Người dân bản Tốc Lìu, xã Dồm Cang (Sốp Cộp) kiểm tra sự phát triển của đàn ong.

Trước đây, bà con trong bản thường xuyên vào rừng tìm kiếm các tổ ong để lấy mật. Tuy nhiên, việc làm này ảnh hưởng đến sự tái đàn và phát triển của ong rừng. Biết vậy, một số hộ dân đã đặt các tổ ngay ven rừng, dụ ong về làm tổ, từ đó thu được sản phẩm mật, phấn hoa... Tuy nhiên, do quy mô nhỏ lẻ, nên đa số sản phẩm bán ra thị trường chậm, giá cả bấp bênh, không ổn định. Cuối năm 2017, qua hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn, 14 hộ dân bản Tốc Lìu đã tham gia mô hình liên kết nuôi ong với HTX Nam Phượng. Thông qua đó, các hộ dân nuôi ong được HTX hướng dẫn thay đổi tập quán nuôi ong tự phát, nâng cao chất lượng các sản phẩm từ ong, mà chủ yếu là mật ong. Đồng thời, hỗ trợ mỗi hộ 2 đàn ong giống, 10 thùng nuôi ong; cung cấp các loại thuốc chữa bệnh cho ong, như: Bệnh ấu trùng túi, ỉa chảy lây lan, thối ấu trùng, dụng cụ bảo hộ trong quá trình nuôi ong. Đồng thời, chuyển giao quy trình kỹ thuật chăm sóc ong, khai thác mật, phương pháp sang thùng ong, kiểm tra, chia đàn ong và hỗ trợ 2 thùng quay mật ong để thu hoạch mật... Nhờ vậy, nhiều hộ dân bản Tốc Lìu đã phát triển quy mô đàn ong từ 30 đến 70 đàn, điển hình là hộ các anh Tòng Văn Tuấn, Lường Văn Vui...

Gia đình  anh Tòng Văn Vân, ở bản Tốc Lìu là hộ nuôi nhiều đàn ong nhất bản. Trên khoảnh nương giáp vùng đệm rừng, những thùng gỗ nuôi ong được anh bố trí đặt ngay ngắn dưới gốc cây to. Anh Vân cho hay, để nuôi ong thành công, cần am hiểu đặc tính của ong, như xây tổ, chia đàn, mùa lấy mật, sinh sản, đặt đàn ong ở những nơi có nhiều hoa thơm để đạt chất lượng mật tốt nhất. Mật ong cho thu hoạch sản lượng nhiều nhất từ tháng 3 đến tháng 5. Gia đình anh hiện duy trì 70 đến 80 đàn ong, mỗi năm thu khoảng 5 - 6 tạ mật, giá bán từ 100-120 nghìn đồng/kg, thu hơn 55 triệu đồng.

Gia đình anh Tòng Văn Linh ngay bên cạnh cũng có 45 đàn ong. Mỗi vụ, gia đình anh Linh thu lợi nhuận 20 đến 25 triệu đồng. Theo anh Linh, đàn ong phát triển tốt nhất vào mùa xuân, chúng thường đi xây tổ, tìm nơi ở vào cuối đông. Vì thế, đến tháng 11 hàng năm, bà con sẽ dọn dẹp các tổ trước đó, quét sáp ong lên các mặt của tổ, đặt lại tổ dưới tán cây rừng để ong nhận biết được mùi và làm tổ. Loài ong sống theo đàn nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi các loại bệnh, song nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong khi tham gia vào liên kết sản xuất, các hộ đã chăm sóc tốt đàn ong. Ngoài ra, được hỗ trợ thùng quay mật ong nên khâu thu hoạch mật cho hiệu quả cao hơn nhiều, mật không bị hao và lẫn nhiều sáp như trước, giá thành cũng cao hơn trước từ 10 đến 20 nghìn đồng/kg. Chất lượng mật tốt, thơm, ngọt, màu sắc đẹp mắt, được khách hàng ưa chuộng, bán được giá, ngoài ra còn được sử dụng làm quà tặng, quà biếu.

Mô hình nuôi ong lấy mật đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân bản Tốc Lìu, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 7,4%. Nuôi ong lấy mật theo cách này không chỉ tăng thu nhập mà còn giúp người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ rừng.

Thu Hằng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới