Mô hình nhỏ, hiệu quả lớn

Sở Công Thương Sơn La vừa tổ chức Hội nghị giới thiệu Mô hình “Sản xuất thanh nhiên liệu đốt và than sinh học từ lõi ngô, mùn tre, trấu, mùn cưa và các phế phụ phẩm từ cây nông nghiệp khác” của Công ty TNHH năng lượng Mộc Châu Xanh. Đây là một ứng dụng sản xuất sản phẩm mới là thanh nhiên liệu đốt và than sinh học có chất lượng cao, đáp ứng cho nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Sơ đồ quy trình sản xuất.

Công ty TNHH năng lượng Mộc Châu Xanh triển khai xây dựng mô hình sản xuất thanh nhiên liệu đốt và than sinh học từ lõi ngô, mùn tre, trấu, mùn cưa và các phế phụ phẩm từ cây nông nghiệp khác tại nhà máy của Công ty thuộc tiểu khu Bó Bun, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Dự án có tổng mức đầu tư 38,5 tỷ đồng. Giai đoạn I (2015-2017), đầu tư trên 14 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí Khuyến công quốc gia năm 2016 hỗ trợ 326 triệu đồng mua sắm máy móc thiết bị. Theo thiết kế, công suất của nhà máy đạt 4.000 tấn than sinh học, 6.000 tấn thanh nhiên liệu đốt/năm; doanh thu trên 27 tỷ đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 50 lao động với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Với nguyên liệu đầu vào gồm các phế phẩm, nông, lâm nghiệp như mùn cưa, trấu, lõi ngô, mùn tre, các cây thân mộc khô, khi nhà máy hoạt động ổn định, đạt trên 80% công suất thiết kế, cần tiêu thụ trên 15.000 tấn nguyên liệu/năm.

Ông Đinh Khắc Phượng, Giám đốc Công ty, cho biết: Công nghệ mà Công ty áp dụng là công nghệ xanh, sạch, tiên tiến, nhằm thay thế công nghệ sản xuất than bằng phương pháp đốt củi truyền thống lạc hậu, góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Công nghệ sản xuất gồm những máy móc được sản xuất trong nước, như máy nghiền, sang tuyển, trộn, hệ thống máy sấy, máy ép thủy lực song động, băng chuyền tự động,... có tốc độ cao, an toàn, dễ bảo trì. Thao tác điều khiển đơn giản, hiệu quả cao, cho ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc. Ưu việt, tiên tiến của nhà máy là chủ động về nguồn nguyên liệu, góp phần giảm phát thải khí CO2, xử lý phế thải trong sản xuất nông nghiệp; nguồn nguyên liệu chính để sản xuất sản phẩm thanh ép nhiên liệu đốt và than sinh học là từ thân, lõi ngô của vùng trồng ngô ở Mộc Châu, Yên Châu; ngoài ra còn sử dụng các phế phẩm, phế liệu chế biến từ tre (Nhà máy tre Mộc Châu), gỗ, nông sản khác trên địa bàn. Để sản xuất ra trên 9.000 tấn sản phẩm/năm, nhà máy cần trên 15.000 tấn nguyên liệu/năm, với công suất của Nhà máy chỉ mới tiêu thụ khoảng 15-20% nguồn nguyên liệu tại Mộc Châu. Việc tận dụng các nguồn phế phẩm, phế thải trong sản xuất, chế biến nông, lâm sản đã góp phần xử lý chất thải rắn, tạo nguồn năng lượng mới thay thế cho nhiên liệu hóa thạch.

Sản phẩm than sinh học có nhiệt lượng từ 7.000 đến 8.500 calo/kg, cao hơn một số loại than cám, than bùn, than non và một số loại than đang khai thác tại các mỏ than Suối Bàng, Mường Lựm, Tô Pan... trên địa bàn tỉnh Sơn La. Thời gian cháy của 1 kg than này có thể kéo dài 200 phút, khi cháy không có khói và mùi. Hàm lượng cac-bon trong than sinh học có thể đạt từ 75 đến 85%. Thanh ép nhiên liệu tuy có nhiệt lượng thấp hơn than đá 15-20% (20MJ/kg) nhưng có độ tro rất thấp (tối đa 5% khối lượng tổng) nên sử dụng hiệu quả hơn than đá, dầu, củi, khí gas. Ngoài việc xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, sản phẩm thanh ép nhiên liệu đốt và than sinh học còn có các khách hàng tiềm năng là những cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm sản có sử dụng hệ thống nhiệt, lò hơi; hoạt động dân sinh...

Ông Nguyễn Đình Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết: Mô hình này không phải là mô hình mới, tiên tiến ở Việt Nam, nhưng trên địa bàn tỉnh Sơn La đây là mô hình đầu tiên, bước đầu được đánh giá sẽ mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, phù hợp với các địa phương có nhiều nguyên liệu lõi ngô (phế phẩm nông sản) như  huyện Vân Hồ, Yên Châu, Mai Sơn, Sông Mã, Thuận Châu, tạo điều kiện, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, HTX, các chủ cơ sở sấy ngô, chế biến nông lâm sản tiếp cận công nghệ, dây truyền sản xuất, quy mô đầu tư, thị trường tiêu thụ sản phẩm, thị trường nguyên liệu đầu vào hoặc liên kết sản xuất giữa các nhà đầu tư với nhau để cùng sản xuất ra sản phẩm đủ số lượng hàng lớn cho đơn hàng xuất khẩu. Hơn nữa, mô hình còn giúp tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn địa phương, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương theo hướng tích cực và thân thiện với môi trường.

Mô hình “Sản xuất thanh nhiên liệu đốt và than sinh học từ lõi ngô, mùn tre, trấu, mùn cưa và các phế phụ phẩm từ cây nông nghiệp khác” của Công ty TNHH năng lượng Mộc Châu Xanh đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh được tiếp cận mô hình kỹ thuật sản xuất và sử dụng thanh nhiên liệu và than sinh học. Đây là mô hình hiệu quả, cần được nghiên cứu để nhân rộng trong thời gian tới.

 

Phong Lưu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới