Mô hình mới với giống cam ruột đỏ cara

Những năm qua, huyện Thuận Châu đã phối hợp với HTX Dịch vụ nông nghiệp và thương mại Thanh Sơn, huyện Mai Sơn, triển khai Dự án “Liên kết các hộ dân trồng và tiêu thụ sản phẩm cam cara ruột đỏ không hạt tại xã Muổi Nọi, Tông Lạnh và Bon Phặng”. Cây cam đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới, giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Triển khai dự án, có14 hộ tham gia trồng trên diện tích 11,74 ha, kinh phí thực hiện 3 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước hỗ trợ 512 triệu đồng, vốn đối ứng của nhân dân 2 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp, HTX 529 triệu đồng. HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Thanh Sơn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện và các xã khảo sát thực địa tại các bản để lựa chọn đất trồng phù hợp; tổ chức họp dân để trình bày phương án sản xuất, tiêu thụ và thảo luận về hợp đồng liên kết. Sau 3 năm trồng, cam bắt đầu cho bói quả, từ năm thứ 5 cho thu hoạch đều; bình quân 1 ha thu hoạch 20 tấn/năm, trừ chi phí lợi nhuận thu khoảng 170 triệu đồng.

             

Thành viên HTX Hưng Thịnh chăm sóc cam ruột đỏ.

             

Anh Lương Quốc Huy, Giám đốc HTX Hưng Thịnh, bản Tây Hưng, xã Muổi Nọi, cho biết: HTX trồng 2 ha cam ruột đỏ, giống cam này rất dễ trồng và chăm sóc, hợp với thổ nhưỡng địa phương; cam được sử dụng phân gà Sakura của Nhật Bản và các chế phẩm sinh học, như nấm đối kháng, vi phẩm đối kháng để diệt sâu bệnh. Năm 2021, vụ đầu thu được 2 tấn quả; cam có mẫu mã đẹp, không hạt, không có vị chua, nên cam bán rất đắt hàng; loại 1 có giá 80 nghìn đồng/kg, loại quả xô khoảng 35 nghìn đồng/kg, HTX thu về hơn 100 triệu đồng. Dự kiến, năm nay cho thu hơn chục tấn, chủ yếu bán tại các siêu thị ở Hà Nội.

             

Đến xã Bon Phặng, thăm vườn cam của gia đình ông Đặng Quốc Tuấn, là một trong 14 hộ tham gia dự án trồng cam ruột đỏ. Ông Tuấn, nói: Gia đình tôi đăng ký trồng 4 ha, toàn bộ khâu chọn đất, cây giống, phân bón, kỹ thuật trồng, chăm sóc đều được cán bộ kỹ thuật của HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Thanh Sơn, cán bộ khuyến nông hướng dẫn trực tiếp, sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học để ngăn sâu bệnh; chăm sóc theo công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun sương. Sau hơn 4 năm, cây cam phát triển tốt và đã cho quả. Năm 2021, gia đình thu hơn 15 tấn cam cara  được HTX mua hết, trừ chi phí lãi gần 200 triệu đồng.

             

Ông Lê Xuân Hòa, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp và thương mại Thanh Sơn, chia sẻ: Cam ruột đỏ vượt trội hơn các giống cam khác về kích thước quả, hương vị, khả năng chống bệnh, chịu hạn. Ruột cam màu đỏ thẫm, tép mọng nước, rất ngọt và mùi thơm dễ chịu, giá bán cao hơn so với nhiều loại cam khác. Vì vậy, chúng tôi quyết định đưa loại cam này vào trồng để cung cấp cho các siêu thị trong nước và xuất khẩu.

             

Đánh giá về hiệu quả của mô hình, ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Đây là loại cây ăn quả còn tương đối lạ, có giá trị dinh dưỡng cao, mẫu mã sản phẩm đẹp, người tiêu dùng rất ưa chuộng. Thông qua dự án này, huyện đặt mục tiêu đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa giống cam ruột đỏ vào phát triển sản xuất, từng bước xóa bỏ tính tự phát, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp với người sản xuất; tạo ra sản phẩm hàng hóa tập trung với quy mô lớn, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

             

Với bước đi ban đầu hiệu quả, huyện Thuận Châu chỉ đạo các xã tiếp tục vận động bà con đưa cây cam cara vào trồng; đồng thời, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm. Thành công bước đầu của dự án trồng cam ruột đỏ là tiền đề quan trọng, để huyện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển những mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế, giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Thủy Ngân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới