Mô hình liên kết HTX và hộ nông dân sản xuất, tiêu thụ rau trái vụ ở Tân Lập

Trong chuyến công tác tại huyện Mộc Châu, chúng tôi có dịp “thực mục sở thị” mô hình liên kết trồng rau bắp cải trên ruộng lúa 1 vụ, cho thu nhập cao gấp 2,7 lần trồng lúa và trồng cây ngô ủ ướp giữa HTX Cao Sơn Mộc Châu với gia đình anh Đặng Văn Dậu, bản Co Phay, xã Tân Lập.

 

Nông dân bản Co Phay, xã Tân Lập chăm sóc vườn bắp cải trồng trên ruộng lúa 1 vụ.

Dẫn chúng tôi thăm vườn bắp cải đang kỳ thu hoạch, anh Dậu phấn khởi nói: Được Hội LHPN xã Tân Lập giới thiệu, năm 2019, gia đình tôi bắt đầu liên kết với Hợp tác xã Cao Sơn Mộc Châu chuyển đổi 2.000 m² trồng lúa sang trồng 2 vụ rau bắp cải, mỗi vụ thu hơn 3 tấn rau, với giá hợp tác xã thu mua bình quân 8.000 đồng/kg, gia đình tôi thu hơn 24 triệu đồng/vụ, 2 vụ thu ngót 50 triệu. So với trước, cũng diện tích ruộng này trước đây, một năm gia đình tôi chỉ trồng được 1 vụ lúa, 1 vụ ngô ủ ướp, thu được khoảng 1 tấn lúa, với giá 9.000 đồng/kg, gia đình tôi chỉ thu được 9 triệu đồng và bán 1 xe ngô ủ ướp thu được 8,5 triệu đồng. Như vậy, khi gia đình tôi chuyển đổi sang trồn rau bắp cải trái vụ sẽ thu tăng hơn 20 triệu đồng so với trồng 1 vụ lúa và 1 vụ ngô ủ ướp. Dự kiến năm 2020, gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích liên kết trồng rau trái vụ lên 3.500 m².

Hợp tác xã Cao Sơn Mộc Châu, tiểu khu 34, xã Tân Lập (Mộc Châu) được thành lập tháng 5/2018 với 13 thành viên, tổng diện tích đất sản xuất 10 ha trồng rau trái vụ, trong đó có 7 ha ở xã Tân Lập và 3 ha ở bản Áng, xã Đông Sang (Mộc Châu). HTX sản xuất rau trái vụ, gồm: Cà chua, bắp cải, quả và ngọn su su không đủ để cung cấp cho các đơn hàng lớn tại thành phố Hà Nội thông qua hệ thống siêu thị Big C, các cửa hàng ở huyện Gia Lâm và các trường học ở quận Long Biên. Vì vậy năm 2019, Hợp tác xã đã phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ xã Tân Lập tuyên truyền, vận động 14 hộ hội viên phụ nữ xã Tân Lập liên kết chuyển đổi 5 ha lúa 1 vụ thu nhập thấp sang trồng rau trái vụ, cung cấp cho thị trường Hà Nội. Hợp tác xã đã phối hợp với cán bộ Viện rau, quả Việt Nam tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau an toàn trái vụ cho nông dân và chịu trách nhiệm cung ứng giống, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm rau trái vụ cho các hộ sản xuất, với giá bình quân 8.000 đồng/kg.

Ông Phạm Đình Ổn, Giám đốc Hợp tác xã Cao Sơn Mộc Châu, cho biết: Từ khi thành lập, Hợp tác xã luôn được huyện Mộc Châu, xã Tập Lập và đặc biệt là Sở Nông nghiệp &PTNT quan tâm, tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh hiệu quả; hỗ trợ tem điện tử truy suất nguồn gốc, nhãn mác nhận diện sản phẩm để cung cấp đến tay người tiêu dùng, vì vậy, sản phẩm rau của hợp tác xã được các cửa hàng, siêu thị lớn và các trường học ở Thành phố Hà Nội ký kết bao tiêu. Dự kiến năm 2020, Hợp tác xã sẽ tiếp tục phối hợp với Hội LHPN xã Tân Lập vận động thêm khoảng 30-40 hộ dân chuyển đổi 20 ha đất lúa 1 vụ sang trồng rau trái vụ, để cung cấp đủ cho các đơn hàng lớn tại thành phố Hà Nội và nâng cao thu nhập cho nông dân địa phương.

Chị Tặng Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Lập cho biết: Mô hình liên kết giữa Hợp tác xã Cao Sơn Mộc Châu với các hộ nông dân tham gia chuyển đổi đất lúa 1 vụ sang trồng rau trái vụ đã cho kết quả rõ rệt. Qua theo dõi thực tế, 1 ha ruộng lúa 1 vụ có thể trồng được 2-3 vụ rau trái vụ; mỗi lứa cho thu từ 20-25 tấn rau với giá bán bình quân 8.000 đồng/kg, người nông dân đã thu được từ 160-200 triệu đồng/vụ/ha; nếu trồng 2 vụ rau trái vụ thu nhập sẽ là 320-400 triệu đồng/ha; trừ chi phí khoảng 30%, 1 ha trồng 2 vụ rau trái vụ người dân sẽ có lãi từ 224-280 triệu đồng/ha.  

Xã Tập Lập có đất đai bằng phẳng, màu mỡ, lại có thời tiết mát mẻ quanh năm với nhiệt độ trung bình khoảng 18-220C, rất phù hợp cho việc chuyển đổi ruộng lúa 1 vụ thu nhập thấp sang trồng từ 2-3 vụ rau trái vụ cho thu nhập cao. Hiện nay, Tân Lập có 65 ha lúa 2 vụ và 254 ha lúa 1 vụ, đây là tiềm năng lớn mở ra cơ hội hợp tác giữa hợp tác xã với các hộ nông dân trong liên kết sản xuất, tiêu thụ rau trái vụ trong thời gian tới. Để mối liên kết thêm bền chặt, hợp tác xã và các hộ dân cần thực hiện tốt việc áp dụng kỹ thuật sản xuất rau an toàn theo quy trình VietGAP, giữ được uy tín và thương hiệu sản phẩm cung cấp cho khách hàng. Đồng thời, các cơ quan chức năng tỉnh, huyện và xã cần tăng cường hỗ trợ hợp tác xã xây dựng, quảng bá thương hiệu tiêu thụ sản phẩm; chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho nông dân; thu hút thêm nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư, liên kết với nông dân sản xuất hiệu quả.

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới