Mô hình chăn nuôi hiệu quả ở Chiềng Bôm

Với bản tính cần cù, chịu khó, anh Đoàn Văn Trưởng, bản Nhộp, xã Chiềng Bôm (Thuận Châu) là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu.

 

 

 

Mô hình nuôi vịt cổ xanh của anh Đoàn Văn Trưởng.

                 

Sinh ra trong gia đình thuần nông ở ngoại thành Hà Nội, kinh tế eo hẹp, nên anh Trưởng chỉ học xong lớp 12 rồi ở nhà giúp bố, mẹ làm công việc đồng áng. Năm 2000, anh quyết định rời quê hương lên lập nghiệp tại xã Chiềng Bôm (Thuận Châu). Anh Trưởng cho biết: Năm 2010, tôi thử nghiệm nuôi vịt cổ xanh với 10 triệu đồng tiền vay mượn để đầu tư làm chuồng trại và mua được 36 con giống. Sau một thời gian nuôi, tôi nhận thấy giống vịt cổ xanh Thuận Châu dễ nuôi, dễ chăm sóc, chất lượng thịt thơm ngon được thị trường ưa chuộng. Tôi đã vay thêm 450 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Thuận Châu để mở rộng diện tích chăn nuôi lên 4.000 m² và mua con giống. Cùng với đó, tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi do Hội Nông dân xã, huyện tổ chức. Được trang bị kiến thức chăn nuôi, tôi áp dụng vào chăm sóc đàn vịt sinh trưởng và phát triển rất tốt, đến nay, đàn có gần 3.000 con với đủ các loại vịt như: vịt giống, vịt thịt, vịt siêu đẻ... cung ứng cho thị trường huyện Thuận Châu và các huyện trong tỉnh, mang lại thu nhập ổn định từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

                 

Tham quan khu chăn nuôi vịt, chúng tôi không khỏi ấn tượng bởi chuồng trại được xây dựng quy mô và kiên cố, chuồng trại chăn nuôi được đổ bê tông cách đất khoảng 1,5 m theo kiểu nhà sàn, lợp mái Fiproximăng, dưới gầm sàn là ao có nguồn nước ra vào. Ban ngày, vịt bơi lội, kiếm ăn dưới gầm sàn, tối đến hoặc khi đẻ trứng thì lên chuồng.

                 

Nói về kỹ thuật chăm sóc đàn vịt, anh Trưởng chia sẻ: Để đàn vịt sinh trưởng và phát triển tốt, đòi hỏi người nuôi vịt phải nắm vững kỹ thuật chăn nuôi. Bắt đầu từ khâu chọn giống, nếu giống vịt tốt, sẽ cho trứng và con giống chất lượng cao. Trong quá trình nuôi, phải luôn quan sát tỉ mỉ để điều chỉnh, bổ sung lượng thức ăn, thuốc phòng dịch bệnh cho hợp lý. Đối với vịt đẻ trứng thì 2 năm phải thay giống một lần, mới đảm bảo năng suất và chất lượng trứng tốt.

                 

Hiện nay, anh Trưởng còn đầu tư 2 máy ấp trứng công nghiệp với tổng công suất 24.000 quả/lần, để cung cấp vịt giống, trứng giống cho nhân dân trong vùng và các vùng lân cận với mức giá 3.000 đồng/quả trứng và 6.000 đến 12.000 đồng/con vịt giống. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Trưởng còn nhiệt tình hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng giống vịt theo phương thức trả chậm cho một số hộ nông dân có nhu cầu nuôi vịt. Là một trong những người được anh Trưởng giúp đỡ về con giống và kỹ thuật chăn nuôi vịt, anh Lò Văn Thuận, bản Hùn, xã Chiềng Cọ (Thành phố) nói: Gia đình tôi đã mua trên 1.000 con vịt giống cổ xanh của nhà anh Trường, do vịt giống được tiêm phòng đầy đủ nên đàn vịt lớn nhanh, phát triển rất tốt, gia đình tôi bán vịt thương phẩm và trứng, thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm.

                 

Từ mô hình phát triển kinh tế trang trại nuôi vịt cổ xanh, anh Trưởng được huyện tặng Giấy khen, chứng nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao, mô hình nuôi vịt cổ xanh của anh Đoàn Văn Trưởng đang mở ra hướng phát triển mới trong chuyển đổi vật nuôi hiệu quả; cần được nhân rộng, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

 

Trung Hiếu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới