Tại Tọa đàm trực tuyến “Mở cửa du lịch thế nào để an toàn” diễn ra ngày 20/10, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, bức tranh du lịch rất ảm đạm trong gần hai năm qua. Thống kê sơ bộ về các chỉ số chính đều có sự sụt giảm. Năm 2020, ngành du lịch Việt Nam chỉ đón được khách quốc tế trong 3 tháng đầu tiên với 3,7 triệu lượt khách, giảm 80% so với năm 2019. Khách nội địa năm 2020 đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2019.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% (đạt 31,5 triệu lượt khách), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020.

Việc mở cửa trở lại sẽ giúp hoạt động du lịch dần trở lại quỹ đạo. 

Sau 4 đợt dịch bùng phát, nguồn lực doanh nghiệp đã cạn kiệt, du lịch gần như đã "chạm đáy". Thời điểm này, việc khôi phục lại hoạt động của ngành là một trong những yêu cầu cấp bách. Việc mở cửa trở lại sẽ giúp hoạt động du lịch dần trở lại quỹ đạo. Các doanh nghiệp sẽ quay trở lại kết nối với đối tác, bạn hàng, tìm kiếm thị trường sau hai năm đứt gãy.

Ngoài ra, trong hai năm vừa qua, số lao động trong ngành du lịch đã bị phân tán rất lớn. Việc mở cửa cũng sẽ giúp các doanh nghiệp thu hút, đào tạo lại lao động đặc thù.

“Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, sự hồi phục của ngành cũng sẽ lan tỏa, tạo tiền đề để các hoạt động kinh tế khác sớm trở lại quỹ đạo bình thường. Đây là thời điểm chín muồi để chúng ta triển khai việc mở cửa du lịch” - Ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.

Trong thời gian qua, chủ trương của Đảng, Chính phủ rất ủng hộ việc vừa phòng chống dịch an toàn vừa sản xuất kinh doanh. Cụ thể, kết luận số 07 tháng 6/2021 của Bộ Chính trị cho phép khôi phục hoạt động kinh tế, trong đó có việc thí điểm đón khách quốc tế đến một số điểm theo hình thức hộ chiếu vaccine. Ngoài ra, công văn số 6345 ngày 10/9/2021 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để Kiên Giang quay trở lại đón khách quốc tế. Trên cơ sở đánh giá kết quả sẽ mở lại một số trung tâm du lịch khác.

Đặc biệt, ngày 11/10, Chính phủ đã có Nghị quyết 128 rất quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đó là sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ để khôi phục lại hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, tỉ lệ bao phủ vaccine tại nhiều tỉnh, thành trong nước rất cao, số ca nhiễm trong cộng đồng đã được khống chế. Điều này chứng tỏ năng lực y tế  đã có những cải thiện.

Các doanh nghiệp du lịch, địa phương, vùng du lịch đều lấy an toàn là tiêu chí hàng đầu, quan trọng. Đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch mong muốn quay trở lại họ đều đã có sự chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn trong việc cung ứng các dịch vụ. Người dân cũng nâng cao ý thức phòng dịch trong 4 đợt dịch vừa qua. Đó là những yếu tố quan trọng để ngành du lịch tự tin có thể khôi phục lại trong thời điểm này.

Đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi du lịch

Trải qua 4 lần làn sóng COVID-19, có thể nói doanh nghiệp du lịch lúc này đều đã kiệt quệ. Theo ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, có tới 25% doanh nghiệp lữ hành vừa và nhỏ xin rút giấy phép kinh doanh. Và thực tế, hiện nay rất nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng, nhiều hướng dẫn viên đã chuyển sang hoạt động ở các ngành nghề khác.

Để đồng hành với các doanh nghiệp, giúp họ duy trì và yên tâm hoạt động, kinh doanh, trong thời gian qua, Bộ Văn hoá, Thể thao, Du lịch đã ban hành Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL, có cơ chế cho việc khôi phục hoạt động du lịch trong cả nước trong đó đề cập đến chính sách kích cầu và phục hồi hoạt động du lịch theo 6 nhóm giải pháp cụ thể: Đảm bảo an toàn với khách du lịch; Đa dạng hoá sản phẩm thích ứng với cơ chế mới, phù hợp với bối cảnh bình thường mới; Tăng cường công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch; Việc ứng dụng thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp dựa trên các cơ chế, chính sách; Tìm cách phát triển nguồn nhân lực lao động về du lịch...

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Bộ để trình Chính phủ, phối hợp các bộ, ngành có cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp và người lao động.

Trong 2 năm qua, Tổng cục Du lịch liên tiếp có những đề xuất, đến nay đã đạt được kết quả bước đầu như giảm giá tiền điện đối với các cơ sở lưu trú, đưa về giá ngang bằng các cơ sở kinh doanh, giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp du lịch. Hiện, Tổng cục Du lịch đang cùng các bộ, ngành trao đổi, để điều chỉnh Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg hỗ trợ cho một số đối tượng, trong đó có hướng dẫn viên du lịch để cải thiện điều kiện sống, một phần hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua khó khăn, thúc đẩy trở lại các hoạt động du lịch.

Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Thương mại và Marketing VietJet cho rằng, hàng không và các doanh nghiệp lữ hành có thể xem như “môi với răng”, luôn đi cùng với nhau. Trải qua thời gian gần hai năm dịch bệnh, có lẽ là doanh nghiệp và cá nhân đều kiệt quệ vì sự tàn phá của COVID-19.

“Quả thực nó giống như tảng băng. Muốn phá được tảng băng ấy phải có sự phối hợp, không chỉ là sự kích cầu, như giảm giá. Chúng ta có thể gọi đây là chương trình tổng thể, xuất phát từ những đơn vị quản lý như Tổng cục du lịch, tới Hiệp hội, phối hợp với các đơn vị vận chuyển lữ hành, lưu trú… để đưa ra gói sản phẩm phù hợp với giai đoạn mới. VietJet sẽ đồng hành với các đơn vị lữ hành để xây dựng nên sản phẩm mới. Trong đó, sự an toàn được đặt lên hàng đầu và quan trọng nhất” - ông Nguyễn Thanh Sơn khẳng định.

Theo ông  Nguyễn Thanh Sơn, nếu như trước đây các doanh nghiệp tập trung vào gói sản phẩm từ 10 người trở lên thì bây giờ xu thế gia đình sẽ lựa chọn đi với nhau, để hạn chế tiếp xúc. Do đó, các doanh nghiệp cần phải xây dựng sản phẩm phù hợp. Đối với chất lượng sản phẩm thì đây là giai đoạn quan trọng, nếu chất lượng không đạt thì sẽ ảnh hưởng tới việc quay trở lại du lịch trong giai đoạn mới. VietJet cam kết đồng hành với các đơn vị đưa ra gói sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất và giá hợp lý nhất. Quan trọng là các bên cần có sự phối hợp, tiến hành truyền thông ở quy mô cả nước và cả thị trường quốc tế./..