Màu xanh cây trái trên đất Quỳnh Nhai

Quỳnh Nhai - Mảnh đất huyền thoại bên dòng sông Đà, với nhiều lễ hội truyền thống giàu bản sắc văn hóa, nơi có mặt hồ thủy điện rộng mênh mông, là điều kiện để người dân phát triển nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và du lịch. Bây giờ, về Quỳnh Nhai trên những nương đồi đang được phủ một màu xanh của các loại cây ăn quả. Những chùm hoa đơm bông, kết trái tỏa hương thơm hứa hẹn một mùa bội thu, tạo đà cho cuộc sống người dân thêm khởi sắc.

 

Nông dân xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) trồng cây ăn quả trên đất dốc.

Cách đây khoảng 10 năm, trên các nương đồi, nông dân Quỳnh Nhai chủ yếu trồng cây sắn, cây ngô theo tập quán sản xuất lạc hậu, trong khi đất xói mòn nên năng suất đạt thấp. Chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc của tỉnh như một luồng gió mới làm thay đổi phương thức sản xuất lạc hậu của người dân từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm... Trao đổi với ông Ngô Trí Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện được biết, huyện đã tập trung rà soát diện tích cây nông nghiệp kém hiệu quả để chuyển sang trồng cây ăn quả tập trung gắn với trồng cây dược liệu dưới tán tại các xã dọc lòng hồ thủy điện Sơn La. Đồng thời, xúc tiến đầu tư, mời gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân trồng cây ăn quả theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ cải tạo vườn tạp, cũng như định hướng cây trồng, dự báo thị trường để xác định hướng đi trong tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tránh tình trạng “được mùa, mất giá” hoặc “được giá, mất mùa”. Đến nay, toàn huyện có hơn 1.250 ha cây ăn quả các loại, trong đó 611 ha đã cho thu hoạch, chủ yếu xoài, nhãn, chuối, bưởi, mận... Sản lượng năm 2019 đạt 2.720 tấn. Đặc biệt, thu hút 6 doanh nghiệp, HTX tham gia trồng cây ăn quả, với tổng mức đầu tư là 180 tỷ đồng, đây sẽ là “bà đỡ” cho các hộ gia đình trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Chúng tôi về xã Chiềng Khay để hiểu thêm về việc chuyển đổi cây trồng trên đất dốc. Thời điểm này, những thửa ruộng bậc thang được người dân dẫn nước về để chuẩn bị sản xuất vụ xuân. Tại trụ sở UBND xã, sau cái bắt tay thật chặt, rót chén trà mời khách, ông Lò Văn Toản, Chủ tịch UBND xã phấn khởi: Chiềng Khay đã có nhiều đổi thay, trong đó tuyến đường nối từ quốc lộ 279 về trung tâm xã đã được rải nhựa, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển hàng nông sản. Từ lợi thế về khí hậu, đất đai, một số doanh nghiệp đã về xã đầu tư mô hình trồng cây chanh leo và cây mắc ca, với quy mô hơn 100 ha. Nhiều hộ trong xã đã chuyển diện tích đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Đến nay, toàn xã có hơn 150 ha cây ăn quả các loại, gồm: chanh leo, chuối, xoài, nhãn... Đặc biệt, sản phẩm chanh leo của xã đã được trưng bày, giới thiệu tại Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Quỳnh Nhai. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của Chiềng Khay giảm 4,7%; xã đạt 14/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Điển hình trong phong trào phát triển là mô hình trồng chanh leo của gia đình anh Giàng A Lử, bản Co Que,  thu nhập gần 100 triệu đồng/năm; mô hình trồng chanh leo, xoài, bơ, kết hợp trồng cây xả của gia đình ông Lò Xuân Hồ, bản Phiêng Bay, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm; mô hình trồng su su, nhãn của gia đình ông Lò Văn Yêu, bản Có Nàng,  thu nhập gần 100 triệu đồng/năm...

Đến thăm gia đình chị Lò Thị Liên, bản Ngáy, xã Chiềng Bằng, chị Liên phấn khởi: Năm 2016, gia đình tôi được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 300 cây nhãn giống Miền Thiết. Trong quá trình trồng, chăm sóc, cán bộ khuyến nông huyện đã về hướng dẫn quy trình kỹ thuật. Vụ vừa rồi, thu hoạch trên 1,4 tấn quả, bán được hơn 40 triệu đồng. Tận dụng cây chưa khép tán, gia đình tôi trồng thêm rau màu, dưa hấu, ớt, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Gia đình tôi đã đăng ký trồng thêm 13.000 m² cây xoài, cây táo.

Những nương đồi phủ màu xanh của cây ăn quả đã làm thay đổi diện mạo bức tranh nông nghiệp, nông thôn của huyện Quỳnh Nhai, tạo đà để nông dân trong huyện tiếp tục mở rộng diện tích tại các xã vùng lòng hồ với trên 500 ha. Trong quá trình đó, huyện sẽ có nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp về đầu tư trồng cây ăn quả trên các đảo nổi vùng lòng hồ, gắn với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm. Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp trồng cây ăn quả xây dựng và phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, tem truy xuất đối với sản phẩm quả an toàn, gắn với hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm quả tại các hội chợ nông sản an toàn, Tuần lễ nông sản an toàn trong và ngoài tỉnh.

Mùa xuân về, những vườn cây ăn quả trên đất dốc ở Quỳnh Nhai đang khoác trên mình một màu xanh mới. Tin rằng, với những định hướng đúng đắn, quy hoạch vùng trồng phù hợp, cây ăn quả vùng lòng hồ Quỳnh Nhai sẽ mang lại cho người dân nơi đây cuộc sống ổn định và vươn lên làm giàu.

Trần Hiền
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới