Màng sinh học Saponin nâng cao giá trị nông sản

Phát huy tiềm năng, lợi thế, thời gian qua tỉnh ta đẩy mạnh phát triển cây ăn quả, trong đó cây xoài, nhãn, mận được coi là những loại cây trồng thế mạnh của tỉnh. Trước diện tích vùng trồng ngày càng lớn, việc bảo quản và chế biến sau thu hoạch, nhằm giữ được độ tươi mới, giá trị dinh dưỡng và cảm quan của các loại quả trong thời gian dài, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đã được quan tâm. Đề tài “Nghiên cứu quy trình bảo quản các loại quả xoài, nhãn, mận bằng màng sinh học Saponin kết hợp với Chitosan và Axit axetic tại tỉnh Sơn La” được triển khai thực hiện, góp phần nâng cao giá trị nông sản.

 

 

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ kiểm tra tiến độ thực hiện Đề tài đối với sản phẩm quả xoài tại huyện Yên Châu.

 

Qua nghiên cứu, đánh giá thực tế, quả xoài, nhãn, mận khi đã chín không được thu hoạch kịp thời mà vẫn ở trên cây sẽ làm cho quả bị mất nước, thối hỏng và giảm chất lượng, ảnh hưởng đến sức sống của cây khi vẫn phải cung cấp dinh dưỡng để nuôi quả chín, ảnh hưởng đến năng suất vụ sau. Bên cạnh đó, các loại quả khi thu hoạch vẫn tiếp tục phân giải các hợp chất hữu cơ để cung cấp năng lượng duy trì sự sống của tế bào; sự thoát hơi nước trong quá trình bảo quản dẫn đến việc quả bị khô héo; hoạt động của vi sinh vật nhiễm trên quả trước, trong và sau thu hoạch là tác nhân phá hỏng cấu trúc, gây hỏng quả. Việc xác định đúng thời điểm thu hoạch phù hợp và ứng dụng công nghệ bảo quản sau thu hoạch sẽ kéo dài thời gian bảo quản, giữ được chất lượng, nâng cao giá trị kinh tế, vì thế việc triển khai nghiên cứu quy trình bảo quản các loại quả là rất cần thiết đối với sự phát triển bền vững của nông nghiệp Sơn La. Đề tài “Nghiên cứu quy trình bảo quản các loại quả xoài, nhãn, mận bằng màng sinh học Saponin kết hợp với Chitosan và Axit axetic tại tỉnh Sơn La” được triển khai thực hiện từ tháng 7/2018, do Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chủ trì, PGS.TS Nguyễn Văn Lợi làm chủ nhiệm, với mục tiêu xác định được thông số công nghệ và xây dựng quy trình công nghệ bảo quản các loại quả xoài, nhãn, mận bàng màng sinh học Saponin kết hợp với Chitosan và Axit axetic trong thời gian khoảng 25-30 ngày ở điều kiện nhiệt độ bình thường đối với quả xoài, nhãn và từ 15-20 ngày đối với quả mận.

 

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Lợi: Màng sinh học Saponin là một nhóm hợp chất tự nhiên được khai thác từ thực vật, Saponin có khả năng kháng nấm, kháng khuẩn mạnh nên được sử dụng nhiều trong bảo quản nông sản. Còn Chitosan là polyme tự nhiên được tách chiết từ vỏ tôm, cua, với đặc tính hòa tan tốt trong môi trường axit. Axit axetic hay còn gọi là axit dấm có thể sản xuất theo quy mô công nghiệp hoặc lên men, Axit axetic có tác dụng sát khuẩn mạnh, kìm hãm sự phát triển của nấm mốc và có khả năng hòa tan Chitosan để tạo thành dung dịch nhớt, phục vụ cho việc bảo quản trái cây. Việc sử dụng màng sinh học Chitosan được sản xuất từ vỏ tôm, cua lấy từ các nhà máy chế biến thủy, hải sản và Saponin được sản xuất từ phụ phẩm các nhà máy chế biến rau quả, sản xuất dầu ăn đã góp phần làm giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường.

 

Sau 2 năm triển khai thực hiện, nhóm nghiên cứu đề tài đã xác định được tỷ lệ và phương pháp nhúng tạo màng bảo quản xoài, nhãn, mận; trong đó, tỷ lệ 10g Saponin/80g Chitosan/40ml Axit axetic/4.000 ml nước sử dụng cho 80 kg quả xoài, tương tự theo tỷ lệ này sử dụng cho 80 kg quả mận, 70 kg quả nhãn. Đồng thời, xây dựng được công nghệ bảo quản cho xoài, nhãn, mận bằng màng sinh học ở điều kiện nhiệt độ bình thường với nồng độ chế phẩm tạo màng 1% đối với quả xoài và mận, thời gian nhúng 1,5 phút; 1,5% đối với quả nhãn, thời gian nhúng là 2 phút. Bên cạnh đó, đề tài đã triển khai thực hiện 3 mô hình bảo quản xoài, nhãn, mận với quy mô 300 kg quả tại các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Sông Mã. Kết quả, các loại quả được kéo dài thời gian bảo quản, giảm mức hao hụt khối lượng tự nhiên, tỷ lệ thối hỏng, hạn chế hiện tượng quả bị xốp. Đặc biệt, khi áp dụng công nghệ bảo quản này sẽ giúp người trồng xoài, nhãn, mận tránh được hiện tượng phải bán đổ, bán tháo khi vào mùa thu hoạch.

 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Lợi thông tin thêm: Quy trình bảo quản nhóm thực hiện đề tài đưa ra dễ áp dụng ở cả quy mô công nghiệp, trang trại và hộ gia đình; công nghệ này không đòi hỏi đầu tư lớn về thiết bị, nhà xưởng, có thể cải tiến các cơ sở vật chất hiện có để phục vụ quá trình bảo quản. Đặc biệt, qua quá trình nghiên cứu kết quả cho thấy màng sinh học này có khả năng phân hủy nhanh, khi gặp nước thì sau khoảng thời gian 1 tuần sẽ phân hủy hoàn toàn, làm tăng độ mùn cho đất; sản phẩm sử dụng màng sinh học đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

Để kết quả nghiên cứu của đề tài được áp dụng thực tiễn với quy mô lớn, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp trong tỉnh tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, truyền thông cho các doanh nghiệp, HTX, người dân, mở ra thêm hướng đi mới cho việc bảo quản nông sản, nâng cao giá trị kinh tế, góp phần vào sự phát triển ngành nông nghiệp của địa phương.

Duy Tùng
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới