Lưu giữ nét văn hóa Đang Mường

Chúng tôi về xã Tường Hạ (Phù Yên), được ngồi trên chiếc thuyền độc mộc lênh đênh trên lòng hồ sông Đà, thả hồn trong không gian sông nước, mây trời, nghe dìu dặt lời Đang ngọt ngào “Dù có đi xa cách sông cách núi/nơi quê nhà em vẫn đợi chờ anh” của các nghệ nhân CLB dân ca Đang Mường nơi đây. Với niềm đam mê, họ đã và đang cùng nhau nỗ lực bảo tồn, lưu giữ giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Một buổi sinh hoạt của CLB dân ca Đang Mường xã Tường Hạ.

Trong không gian mênh mông của vùng lòng hồ sông Đà, lời Đang dặt dìu như dẫn lối chúng tôi tìm về bản Cóc 1, gặp ông Cầm Lưu Phanh, Chủ nhiệm CLB dân ca Đang Mường của xã Tường Hạ. Trong ngôi nhà sàn cổ mang đậm nét đặc trưng văn hóa dân tộc Mường đang diễn ra buổi tập luyện hát đối đáp giao duyên giữa các thành viên CLB, với những lời đang mang hàm ý tìm hiểu lẫn nhau rất ý nhị mà vô cùng gần gũi, ấm cúng. Ông Cầm Lưu Phanh chia sẻ: Với mong muốn lưu giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mường, năm 2014, tôi đã đứng ra thành lập CLB dân ca Đang Mường xã Tường Hạ, đến nay có 16 thành viên thường xuyên tham gia sinh hoạt. Trong đó, thành viên nhiều tuổi nhất đã gần 70 tuổi, người ít tuổi nhất cũng hơn 40, nhưng tất cả đều có chung niềm say mê đối với các làn điệu dân ca Đang Mường. Cứ vào dịp nông nhàn, các thành viên CLB lại cùng nhau sưu tầm, dàn dựng, khôi phục lại các làn điệu dân ca cổ.

Tìm hiểu được biết, Đang Mường xã Tường Hạ chịu ảnh hưởng từ Đang Mường Thanh Sơn (Phú Thọ) và Đang Mường Hòa Bình, với các thể loại chủ yếu, gồm: Hát Đang truyền thống, kể về các sự tích, truyền thuyết, trường ca, truyện dân gian; hát Đang xã giao, thăm hỏi; hát Đang ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, quê hương, đất nước đổi mới và hát Đang đối đáp giao duyên. Đồng bào Mường không giới hạn không gian hay thời gian hát, có thể hát trong những dịp anh em, bạn bè lâu ngày gặp lại, những dịp lễ, tết. Hai bên thường hát đối đáp qua lại, rồi mời nhau uống rượu, cùng chúc nhau sức khỏe, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thuyền bè đầy ắp cá tôm, năm mới an lành, hạnh phúc.

Hiện nay, cùng với lưu giữ, bảo tồn các bài dân ca cổ của dân tộc Mường, các nghệ nhân CLB đang nghiên cứu, đưa vào luyện tập một số bài hát mới dựa trên lời cổ do các nghệ nhân, những người am hiểu dân ca Mường, như ông: Đinh Văn Mếu, bản Cóc 1; Hà Đức Âm, bản Tầm Ốc 1, nghiên cứu, sáng tác. Năm 2018, CLB tổ chức giao lưu với CLB Đang Mường xã Mường Thải và CLB khắp Quang Huy, CLB Hoa Mường Tấc (thị trấn Phù Yên). Ban Chủ nhiệm CLB còn phối hợp với các trường học trên địa bàn xã tổ chức giao lưu, biểu diễn, hướng dẫn cho các cháu nhỏ có năng khiếu và yêu thích dân ca, để các cháu hiểu, làm theo những điều ông bà răn dạy, biết trân trọng, nâng niu những giá trị văn hóa của dân tộc mình.

Bà Hà Thị Ướng, bản Cóc 2, trăn trở: Đã từng có một thời gian, lứa con cháu chúng tôi - những chàng trai, cô gái Mường lớn lên không được nghe tiếng Đang trong những dịp cưới hỏi, dựng nhà, Tết đến, tiếng chiêng, tiếng cồng, trong bản, ít dần đi... Chính vì thế, cứ khi có thời gian, chúng tôi lại tụ họp, để hát cho các cụ, các cháu nghe, nhằm góp phần gìn giữ, truyền thụ và nhen nhóm tình yêu dân ca của các thế hệ người Mường với văn hóa của dân tộc mình.

Ông Hà Văn Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Tường Hạ cho biết: Hoạt động của CLB dân ca Đang Mường không chỉ thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng tại địa phương, mà còn đóng góp vào việc nghiên cứu, sưu tầm các giá trị văn hóa Mường. Thời gian tới, chính quyền xã sẽ hỗ trợ, khuyến khích các nghệ nhân dân gian tham gia sinh hoạt tại CLB, huy động các nguồn lực xã hội hóa để CLB có kinh phí duy trì hoạt động, nhằm đáp ứng tốt nhu cầu nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Chia tay Tường Hạ, chúng tôi vẫn nhớ hình ảnh những nghệ nhân chân chất, mộc mạc, say mê với làn điệu Đang Mường được gìn giữ từ nhiều đời nay. Những câu hát, lời Đang ngọt ngào vang vọng, như níu chân người khách phương xa, hứa hẹn ngày trở lại, để tiếp tục tìm hiểu, khám phá những nét văn hóa truyền thống của đồng bào Mường nơi đây.

Lò Thái (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới