Lừa đảo "chạy việc" - chiêu trò cũ, nạn nhân mới

Ngày 28/6/2021, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Sơn La đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Cao Minh Tú, trú tại tổ 4, thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trước khi bị bắt, Cao Minh Tú nguyên là Phó Chánh văn phòng huyện Sông Mã, Bí thư Đảng ủy thị trấn Sông Mã, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Sông Mã và sau đó là giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú, trung học cơ sở xã Đứa Mòn. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số người dân, lợi dụng mối quan hệ thân quen với các bị hại để lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức xin việc làm, làm chứng chỉ tin học và ngoại ngữ.

Cơ quan CSĐT Công an Sơn La thi hành lệnh khám xét nơi ở đối với Cao Minh Tú.

Anh L.V.N (huyện Thuận Châu), cho biết: Vợ tôi và Cao Minh Tú là bạn học cũ. Tháng 4/2020, Tú đã gọi điện cho tôi hỏi: Gia đình có con cháu học xong có nhu cầu xin việc không?  Tôi có cháu dâu là Q.T.L, vừa tốt nghiệp sư phạm, chưa xin được việc, nên hỏi: Có chắc chắn xin được việc không?. Tú nói:  Đây là suất của các sếp, là chỗ tin tưởng xin được. Vì vậy, tôi đã nhờ Tú xin cho cháu L làm giáo viên tại xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu, với giá 250 triệu đồng.

Khoảng tháng 5/2020, tại nhà anh N, vợ chồng L đã trực tiếp gặp và chuyển 50 triệu đồng cho Tú để lo việc, hẹn sau khi xong việc sẽ chuyển nốt số còn lại. Tú hướng dẫn chị L làm hồ sơ nộp tại bộ phận một cửa UBND huyện Thuận Châu, đi thi bình thường. Những ngày sau đó, chị L đã chuyển khoản và trả tiền mặt thêm cho Tú nhiều lần được 60 triệu đồng, tổng số tiền chị L chuyển cho Tú là 110 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi đi thi, chị L không đỗ, không xin được việc và cũng không đòi được tiền.  

Anh C.V.X, trú tại huyện Thuận Châu, được anh N giới thiệu nên biết Tú. Để củng cố niềm tin cho anh X, Tú nói có mối quan hệ với lãnh đạo huyện, đưa thêm thông báo của Sở Nội vụ về công tác tuyển dụng và hứa xin cho con dâu của anh X làm giáo viên trường tiểu học ở huyện Thuận Châu với giá 250 triệu đồng. Anh X và gia đình đã vay tiền để đưa cho Tú, lần 20 triệu đồng, lần 60 triệu đồng và cuối cùng là 30 triệu đồng. 

Nghe Tú dụ dỗ, anh N còn vận động anh, chị, em trong gia đình và một số người thân quen ở huyện Thuận Châu nộp tiền cho anh để mang đến nhờ Tú xin việc, hoặc làm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Theo anh N, từ tháng 5 đến tháng 11/2020, anh đã giới thiệu 13 người có nhu cầu xin việc và làm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, trong đó nhiều trường hợp anh nhận tiền của họ để đưa cho Tú lo việc, như: Anh C.V.T 210 triệu đồng; anh L.V.T 190 triệu đồng; chị L.T.Tr 210 triệu đồng; anh L.V.M 215 triệu đồng… Đến nay, Tú chưa xin được việc cho bất cứ trường hợp nào, cũng chưa trả lại tiền cho các nạn nhân. Biết bị lừa, ngày 1/6/2021, anh N cùng các nạn nhân viết đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.

Từ những chứng cứ và tài liệu thu thập được, ngày 28/6/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Cao Minh Tú về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174, Bộ Luật hình sự. Đồng thời, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với chỗ ở, nơi làm việc của Cao Minh Tú để phục vụ công tác điều tra. 

Theo kết quả điều tra từ tháng 4/2020 đến nay, Cao Minh Tú đã lừa đảo chiếm đoạt của 14 người dân của huyện Thuận Châu và Quỳnh Nhai, với số tiền trên 2 tỷ đồng. Thiếu tá Quàng Hữu Nam, Điều tra viên Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Sơn La, cho biết: Điểm chung của các nạn nhân bị đối tượng lừa đảo đều có con em đang muốn xin vào làm tại cơ quan nhà nước. Bản thân đối tượng đã vay nợ nhiều người tại huyện Sông Mã và không có khả năng trả, nên hướng đến các địa bàn khác trong tỉnh để thực hiện hành vi lừa đảo.

Quá trình đấu tranh, khai thác, đối tượng khai nhận: do vay nợ nhiều người không có khả năng trả, nên nghĩ ra cách giới thiệu bản thân có khả năng xin việc, kèm theo điều kiện đặt cọc trước một khoản tiền để “chạy”. Sau khi nhận tiền từ các nạn nhân, để tạo lòng tin, Tú tự tải các đề thi trên mạng về chỉnh sửa nội dung, gồm đề thi, đáp án, giấy thi rồi chuyển vào gmail cho các bị hại làm bài tại nhà, những bài thi này đã bị Tú đem đi tiêu hủy. Còn với những trường hợp cần làm chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, Tú nhận tiền và đặt mua trên mạng rồi chuyển lại cho các bị hại.

Tính riêng từ năm 2020 đến nay, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Sơn La đã khởi tố 3 vụ, 5 bị can có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức xin việc làm. Có khoảng 30 người bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên 7 tỷ đồng. Đây là con số nhỏ trong tảng băng chìm, vì có nhiều gia đình ngại mọi người biết mình “chạy việc” lại còn mất tiền, nên không trình báo cơ quan chức năng. 

Để chủ động phòng ngừa tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức xin việc làm, thiết nghĩ người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin tuyển dụng tại nơi định thi tuyển vào làm việc; nếu thấy có dấu hiệu lừa đảo cần trình báo cơ quan chức năng để xử lý kịp thời. Cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo đến người dân về thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo.

Minh Phượng (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới