Lời của lửa

Sơn La hôm nay giá rét, trời lạnh 6 độ, mùa đông ướt nhoét. Tôi tỉnh dậy, bật bếp nấu cho con trai bát mỳ, nhìn ngọn lửa gas màu xanh leo heo mà nhớ những ngọn lửa hồng đã qua.

 

Học sinh Trường Tiểu học Tà Vài (Yên Châu) đốt lửa sưởi trong ngày giá rét

Thuở bé, những năm ấu thơ, học trường huyện, mùa đông rét buốt, bố tôi thường dậy sớm, nhóm bếp lửa nấu cơm và vùi sẵn hòn đá trong tro nóng cho mấy cô con gái gói vào giấy mang đến lớp để ủ tay cho ấm. Bố bảo, như thế để con viết bài đỡ run tay. Đi học về, như một thói quen, bao giờ tôi cũng sà vào bếp trước, hơ đôi bàn tay cóng buốt lên ngọn lửa, tìm cây mía bố đã vùi sẵn trong than ấm, thơm lừng mùi mật. Những điều nhỏ bé ấy dường như vẫn còn nguyên cảm xúc, bám rất sâu trong ký ức mùi khói ám còn nồng vị thời gian theo tôi đến hôm nay... Còn nhớ mùa đông rét mướt ở trường, giờ ra chơi giữa buổi, đám trẻ con chúng tôi ào ra sân, mỗi đứa tìm một vài cành cây, mẩu gỗ mục có khi thủ sẵn từ nhà, góp vào, đốt một đống lửa to ở góc sân trường, rồi ngồi xúm lại xuýt xoa, nói cười rôm rả, tiếng cười trao nhau còn thấy hơi thở ngưng lại trong giá lạnh, tan vào trong hơi ấm bàn tay. Lửa ít mà khói nhiều. Rồi cứ thế những câu đồng dao bay trong gió, đuổi theo ngọn khói cay nồng của tuổi thơ trên sân trường đất đỏ, ở đồng rạ cuối chiều, hay một mảnh đất hoang đã tàn ngọn cỏ lúc nhá nhem.

 

"Khói khói về đằng kia ăn cơm với cá

Khói khói về đằng này lấy đá đập đầu"

 

Và đi qua mùa đông, mà hơi ấm còn vương đến tận bây giờ về phố. 

 

Trẻ con ngày ấy đã thành người lớn, rời núi, bỏ huyện, mùa đông lại ít những chiều giá rét. Mà trời có rét mấy thì ai ai cũng vội vã trở về nhà bật điều hòa, mở quạt sưởi. Nhà có bếp gas thì ngọn lửa màu xanh; bếp từ thì ngọn lửa không hình. Người ở phố có nhiều thứ tiện lợi, nhưng dường như càng tiện lợi con người càng xa nhau. Bếp lửa đã nguội lạnh ở nhiều nơi, nhiều nhà chẳng còn bếp với nghĩa có lửa, có khói và cũng quên dần cái bập bùng ấm nóng, tí tách phận củi, cay xè của khói trong những chiều cả gió, đêm mưa phùn, những sáng mù sương. Hóa ra, đôi khi lửa không thể làm cháy nhiều thứ, mà tự nó tắt đi, nguội dần theo năm tháng trong sự vội vã, hối hả của chính chúng ta. 

 

Tôi vừa rời một bếp lửa ở trên Tà Xùa, huyện Bắc Yên về được vài ngày thì trời đổ rét dữ dội. Nghe bản tin thấy trên đó băng giá trắng đồi. Con đường đi học của bọn trẻ ngập trong mây mù. Lúc này mới hiểu lời một đống lửa bập bùng trong phiên chợ vùng cao, mùi vị một nồi thắng cố sôi sùng sục giữa chợ. Người người đi qua, xuôi ngược đều ghé vào xì xụp, uống thêm bát rượu nóng là cả một câu chuyện đời, là phong vị văn hóa của đồng bào dân tộc vùng cao, để họ dìu nhau đi qua gió sương rét buốt, bước chân vững hơn trên núi đá gập ghềnh. Cho người xuống núi rồi mà gót chân từng bén sỏi quen đường còn biết hẹn ngày quay lại. 

 

Mùa đông này trên núi, có đứa trẻ phong phanh…

Mùa đông này trên núi, có người đốt lửa dưới sàn bên sườn núi giăng đầy sương mù chờ bạn dừng chân, nói lời yêu thương. Lời của lửa.

 

Phùng Hạnh (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới