Liên Hòa nỗ lực vượt khó

“Với Liên Hòa, nhắc tới mặt nào cũng thấy còn nhiều khó khăn, nhất là về kinh tế và giao thông. Vẫn còn nhiều hộ nghèo, vẫn còn những hộ thiếu đói giáp hạt. Nhưng người dân nơi đây vẫn luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn kết, bám đất, bám rừng, nỗ lực trong phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống”. Đó là lời chia sẻ chân tình của ông Vì Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Liên Hòa (Vân Hồ) khi nói về cuộc sống của người dân nơi đây.

Người dân Liên Hòa phát triển chăn nuôi đại gia súc

Đến Liên Hòa vào những ngày này mới cảm nhận được hết khó khăn của người dân nơi đây. Giữa mùa hè, cái nắng miền dọc sông như thiêu, như đốt, từng đợt gió từ sông thổi vào mang theo hơi nóng oi bức, ngồi trong nhà quạt chạy vù vù mà mồ hôi vẫn túa ra như tắm. Ông Quý nói chuyện thêm: Cách đây hơn chục năm, khi chưa có điện lưới, ban ngày thì nắng oi ả, ban đêm, cái nóng vẫn hầm hập, trời tối, chỉ nghe thấy tiếng quạt phành phạch. Giờ có điện, có quạt, cái nóng vẫn vậy nhưng thấy đỡ hơn, có nước mát, có kem lạnh ăn giải nhiệt ngày hè, cuộc sống cũng dễ chịu hơn nhiều.

Liên Hòa là xã xa nhất của Vân Hồ, cách trung tâm huyện hơn 60 km. Cả xã có 8 bản, 730 hộ với 4 dân tộc cùng sinh sống. Đến Liên Hòa, ngoài con đường nhựa nối quốc lộ 6 với trung tâm xã, hầu hết các con đường dẫn vào bản đều là đường đất, đi lại khó khăn, nhất là những bản dọc sông. Người dân nơi đây sống dựa chủ yếu vào 28 ha ruộng, 800 ha đất trồng ngô nên cuộc sống còn nhiều khó khăn. Hằng năm, vẫn còn 20 - 30 hộ thiếu đói vào mùa giáp hạt. Đây là điều trăn trở lớn đối với lãnh đạo xã Liên Hòa nhiều năm qua. Bên cạnh đó, do xã ở vị trí xa quốc lộ, giao thông đi lại khó khăn nên vào mùa thu hoạch ngô, giá ngô thường bị thương lái ép giá, thấp hơn giá thị thường. Việc vận chuyển nông sản ở những bản cách xa trung tâm xã gặp nhiều trở ngại, nhất là vào mùa mưa, nhiều hộ vẫn phải dùng sức ngựa để thồ hàng đến trục đường nhựa mới có thể đem bán. Việc giao thương buôn bán không thuận lợi, thu nhập của người dân mới chỉ đạt hơn 6 triệu đồng/người/năm.

Cuộc sống khó khăn là vậy nhưng người dân Liên Hòa bao đời nay vẫn luôn giữ truyền thống đoàn kết, từng thế hệ nối tiếp nhau bám trụ quê hương, cày cấy, vun trồng ở mảnh đất họ sinh ra, mong từng ngày thay đổi cuộc sống. Cũng trên mảnh đất ấy, nhưng bà con đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, đưa những giống ngô mới vào sản xuất cho năng suất cao, giá bán dù thấp hơn so với thị trường chung nhưng vẫn đem lại nguồn thu nhập cao hơn so với nhiều năm trước. Những năm gần đây, bà con tích cực phát triển chăn nuôi gia súc với đàn trâu, bò đạt hơn 800 con cùng nhiều dê và gia cầm. Nhiều hộ còn tận dụng chỗ đất trống để trồng cỏ, đảm bảo thức ăn cho đàn gia súc vào mùa khô. Hầu hết các bản đều chú trọng chăn nuôi, những chuồng chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ được hình thành. Nhiều hộ nuôi có quy mô đến cả chục con trâu, bò. Ở các bản dọc sông, đất canh tác càng ít thì việc chăn nuôi còn là nguồn thu chính của các gia đình. Ở đây, người dân đã bắt đầu phát triển hình thức nuôi cá lồng bên cạnh việc đánh bắt thủy sản. Dưới sự trợ giúp về kỹ thuật của cán bộ khuyến nông, các hộ dân ở bản Dón, Tà Phù đã phát triển được 40 lồng cá với nhiều loại cá đa dạng, trở thành sản phẩm buôn bán tại các bến sông, giúp người dân có hướng làm ăn lâu dài.

Thời gian tới, Liên Hòa sẽ tiếp tục triển khai việc trồng cây ăn quả trên đất dốc, tạo thêm hướng đi mới, bền vững trong phát triển kinh tế cho người dân. Cùng với đó là việc lên kế hoạch thành lập 2 hợp tác xã về nuôi trồng thủy sản và trồng cây ăn quả, kết hợp với chăn nuôi nhằm giúp người dân có địa chỉ tin cậy để học hỏi kỹ thuật sản xuất, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm của địa phương. Với những giải pháp phát triển kinh tế phù hợp với thực tiễn của địa phương, cùng sự cần cù, chịu khó và nỗ lực vươn lên của người dân, tin rằng, Liên Hòa sẽ từng bước vượt khó, giảm nghèo bền vững.

Tặng Đào
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới