Làng Chếu chuyển đổi cơ cấu sản xuất

Là một trong những xã vùng cao của huyện Bắc Yên, trước đây Làng Chếu và các xã khác trong vùng có chung một điểm, đó là người dân trồng cây thuốc phiện, tình trạng nghiện hút tràn lan, vì vậy, cái đói, cái nghèo đeo bám mãi cuộc sống của bà con. Bây giờ, Làng Chếu đã có những bước khởi sắc đáng mừng, bà con luôn cố gắng phát huy lợi thế của địa phương và huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội.

 

Cán bộ khuyến nông xã Làng Chếu (Bắc Yên) hướng dẫn người dân chăm sóc cây sơn tra.

 

Theo các già làng ở các bản trong xã, trước đây, cuộc sống của người dân Làng Chếu rất khó khăn, có nhiều người nghiện hút thuốc phiện, tập quán sản xuất lạc hậu, đất canh tác ngày càng bạc màu, nên trồng cây gì cũng không cho năng suất như mong muốn. Đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, thực hiện chủ trương phá bỏ cây thuốc phiện, người dân cần một loại cây trồng mới để trồng thay thế, trước thực tế đó, một số cán bộ của huyện và các thầy giáo, cô giáo đang công tác trên vùng cao Bắc Yên đã mang những cây sơn tra đầu tiên từ Tà Xùa về trồng trên đồng đất Làng Chếu. Trải qua năm tháng, hiện nay Làng Chếu đã có 359 ha cây sơn tra và được coi là cây trồng đa mục tiêu và cho thu nhập ổn định.

 

Làng Chếu hiện có 645 hộ, 100% là dân tộc Mông sinh sống. Nằm ở vị trí thấp hơn so với các xã khác trong vùng, địa hình Làng Chếu chia thành hai khu vực, gồm: 2 bản vùng thấp và 4 bản vùng cao, với hai vùng khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng khác nhau. Nói về định hướng phát triển kinh tế của xã xuất phát từ đặc điểm địa hình và khí hậu, ông Phàng A Thào, Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: Từ đặc điểm về địa hình và khí hậu, xã đã định hướng phát triển riêng cho hai vùng. Đối với hai bản ở vùng thấp, tuyên truyền, vận động bà con đưa các loại cây ăn quả vào trồng, như: Mận hậu, nhãn, xoài, với mục đích từng bước chuyển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Còn đối với các bản vùng cao, tiếp tục tập trung chăm sóc và mở rộng diện tích các loại cây có thế mạnh của địa phương, như sơn tra, trồng cây thảo quả dưới tán rừng, mở rộng diện tích ruộng bậc thang.

 

Được biết, hiện nay, hai bản vùng thấp của xã Làng Chếu đã có 27 ha cây ăn quả đang sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại nhiều kỳ vọng cho bà con về sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc. Cùng với đó, tận dụng khoảng thời gian sau mùa gặt lúa, nhân dân trồng thêm 300 ha một số loại cây lương thực như ngô, sắn cao sản để tăng thêm nguồn thu. Trong vụ thu hoạch năm 2019, sản lượng ngô của xã đạt trên 680 tấn và hơn 840 tấn sắn, với giá bán từ 15-20 nghìn đồng/kg ngô hạt và 10 nghìn đồng/kg sắn củ tươi, đã mang lại thu nhập trên 300 triệu đồng. Đối với các bản vùng cao, hiện có 359 ha cây sơn tra, trong đó trên 250 ha đã cho thu hoạch, năm 2019, sản lượng sơn tra đạt trên 752 tấn quả, còn thảo quả dự kiến cho thu hoạch vào năm 2022. Riêng 35 ha đất trồng cây rau vụ đông năm 2019, sản lượng gần 400 tấn rau các loại, bảo đảm cung cấp đủ lượng rau xanh tại chỗ.

 

Tìm hiểu được biết, hiện xã Làng Chếu có trên 14 nghìn con gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, người dân vẫn quen với tập quán chăn thả gia súc trên các sườn đồi và khu ruộng bậc thang sau vụ thu hoạch, nên hiệu quả chăn nuôi chưa cao. Hiện xã đang tích cực vận động bà con xây dựng chuồng trại để chăn nuôi gia súc, bảo đảm vệ sinh môi trường và phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Thực hiện tốt việc tiêm vắc xin định kỳ phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; làm chuồng nuôi nhốt gia súc. Sử dụng các phụ phẩm từ sản xuất nông nghiệp để chủ động thức ăn vụ đông cho đàn vật nuôi... Cùng với đó, hướng dẫn người dân ở các bản vùng thấp tận dụng nguồn nước từ các con suối để nuôi trồng thủy sản, tăng thêm thu nhập từ lợi thế sẵn có của địa phương.

 

Trao đổi với chúng tôi về kế hoạch phát triển kinh tế của xã, Phó Chủ tịch xã Phàng A Thào cho biết thêm: Hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn 33%, để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nhanh số hộ nghèo, xã đang tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất. Trong đó, đối với những diện tích trồng sơn tra đang có dấu hiệu thoái hóa, không cho quả, chỉ đạo cán bộ khuyến nông rà soát để tiến hành cải tạo, ghép mắt. Đồng thời, vận động bà con tích cực thâm canh diện tích lúa ruộng; duy trì, chăm sóc tốt diện tích cây ăn quả; mở rộng diện tích trồng cây thảo quả, tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới