Làm sao để ngành du lịch phát triển đúng tiềm năng?

Đây là vấn đề được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận khi cho ý kiến về dự án Luật Du lịch (sửa đổi) tại phiên họp thứ 3 sáng 19/9.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu tại phiên họp. 

Báo cáo trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau 10 năm triển khai Luật Du lịch, du lịch Việt Nam đã có bước tiến đáng khích lệ: Năm 2015, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 7,94 triệu lượt; khách du lịch nội địa đạt 57 triệu lượt; tổng thu từ du lịch đạt 338.000 tỷ đồng; có 18.800 cơ sở lưu trú du lịch với 355.000 buồng. So với năm 2005 khi Luật Du lịch được ban hành, lượng khách du lịch quốc tế đã tăng hơn 2 lần, khách du lịch nội địa tăng gần 4 lần, tổng thu từ du lịch tăng hơn 11 lần, số lượng cơ sở lưu trú du lịch và số buồng tăng 3 lần. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, quá trình triển khai Luật Du lịch đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng tới hoạt động và sự phát triển của ngành Du lịch, do đó cần thiết sửa đổi Luật Du lịch. Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) có 10 Chương, 79 Điều.

Cần quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành

Các đại biểu thống nhất đánh giá thời gian qua ngành du lịch đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn phát triển dưới tiềm năng, do đó nhất trí cần thiết sửa đổi Luật Du lịch để phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. 

Thảo luận về dự thảo Luật, một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là quản lý nhà nước về du lịch.

Qua thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình bày tỏ thống nhất với chủ trương giao trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch cho các bộ, ngành có liên quan vì du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, việc thúc đẩy ngành du lịch phát triển cần có sự tham gia của các ngành khác (giao thông vận tải, xây dựng, đào tạo, kinh doanh dịch vụ…) và ngược lại. Tuy nhiên, cơ quan này nhận thấy dự thảo chưa thể hiện được nội dung này, do đó đề nghị Ban soạn thảo cụ thể hóa các quy định về trách nhiệm của các bộ, ngành trong lĩnh vực du lịch và tăng tính chủ động của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Khắc Định nêu quan điểm: ngành du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính văn hóa, xã hội hóa cao, có sự tham gia của nhiều ngành. Đánh giá thời gian qua ngành du lịch có nhiều cố gắng nhưng sự phối hợp với các ngành khác còn chưa tốt, ông đề nghị trong luật này cần phải xử lý một số vấn đề liên quan đến ngành khác như xuất nhập cảnh, visa, hàng không...

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 56 điều, quy định mới 21 điều và giữ nguyên 2 điều so với Luật Du lịch hiện hành là sự sửa đổi lớn. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội băn khoăn bởi những nội dung sửa đổi này đã đáp ứng được yêu cầu đề ra là xây dựng du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đã tương xứng với tiềm năng, lợi thế của ngành kinh tế tổng hợp hay chưa?.

Liên quan đến quản lý nhà nước về du lịch, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, vai trò của HĐND cũng phải được khẳng định bởi trong dự án Luật chưa có nội dung nào khẳng định vai trò của cơ quan dân cử này trong hoạt động quản lý nhà nước về du lịch.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị, xây dựng luật này bám sát tinh thần đổi mới của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014. “Theo Luật Đầu tư, danh mục kinh doanh có điều kiện đối với ngành du lịch là dịch vụ lữ hành và dịch vụ lưu trú. Tôi đề nghị bám sát tinh thần luật, rà soát một cách thận trọng xem các điều kiện có công khai, minh bạch không hay còn trở ngại” – ông nói.

Ông cũng nhấn mạnh đây là thời kỳ Việt Nam hội nhập sâu rộng nên ngành du lịch phải tiên phong, tất cả những quy định hiện nay nên theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, nhất là về hướng dẫn viên du lịch, cơ sở lưu trú, lữ hành...

Theo ông, cũng cần cân nhắc chính sách ưu đãi và cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch phải theo Luật Đầu tư. “Càng bỏ bớt cơ chế hỗ trợ càng tốt, cần đánh giá cơ chế hỗ trợ có mang lại hiệu quả hay quá tốn kém” – ông Giàu phát biểu.

Mở rộng điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên

Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, để phù hợp với thực tiễn, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) quy định hướng dẫn viên theo chương trình du lịch và hướng dẫn viên tại điểm. Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên được quy định thống nhất và đơn giản hơn, không phân biệt hướng dẫn viên nội địa và hướng dẫn viên quốc tế, chỉ căn cứ vào ngôn ngữ sử dụng khi hướng dẫn khách du lịch. Yêu cầu về trình độ chuyên môn của người đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên theo chương trình du lịch được điều chỉnh từ trình độ cử nhân chuyên ngành hướng dẫn du lịch xuống trình độ trung cấp chuyên ngành hướng dẫn du lịch. Quy định mới này dự kiến là một trong những biện pháp cần thiết nhằm giải quyết tình trạng thiếu hướng dẫn viên trong mùa du lịch cao điểm như hiện nay.

Trên cơ sở vai trò quan trọng của hướng dẫn viên du lịch trong việc cung cấp, truyền tải thông tin về sản phẩm du lịch, bản sắc văn hóa dân tộc, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, Luật Du lịch quy định hướng dẫn viên được hành nghề khi có hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành. Tuy nhiên, để phù hợp với điều kiện thực tế, tạo sự sẵn sàng, đa dạng về loại hình cung cấp dịch vụ hướng dẫn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của dịch vụ, dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) mở rộng điều kiện hành nghề của hướng dẫn viên. Theo đó, ngoài việc hành nghề trên cơ sở hợp đồng giao kết với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, hướng dẫn viên có thể hành nghề theo hợp đồng giao kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn hoặc tham gia tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch.

Về vấn đề trên, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nội hàm của khái niệm hướng dẫn viên tại điểm, tránh nhầm lẫn với thuyết minh viên (do ngành văn hóa quản lý); đồng thời nghiên cứu lại tên gọi hướng dẫn viên theo chương trình cho phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo phân loại hướng dẫn viên theo chương trình du lịch thành hướng dẫn viên nội địa và hướng dẫn viên quốc tế. “Việc phân chia này không phải là sự phân biệt khách du lịch mà để đảm bảo tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng yêu cầu đặc thù của từng đối tượng khách du lịch” – Chủ nhiệm Phan Thanh Bình giải thích.

Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định phân loại hướng dẫn viên theo bậc chuyên môn. Đây là động lực khuyến khích hướng dẫn viên không ngừng phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ./. 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới