Làm báo ở vùng cao Bắc Yên

Vượt lên những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ hạn chế, những “nhà báo” huyện vùng cao Bắc Yên luôn nỗ lực chuyển tải nhiều nhất chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với người dân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của bà con đến với cấp ủy, chính quyền trong huyện.

Sản xuất chương trình truyền thanh tiếng Mông tại Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bắc Yên.

Đài TT-TH huyện Bắc Yên sáp nhập với Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bắc Yên, thực hiện các nhiệm vụ: Tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam; sản xuất các chương trình truyền thanh phát trên hệ thống loa truyền thanh của huyện; sản xuất các Trang truyền hình cơ sở cộng tác với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh; phát triển phong trào TDTT địa phương; tham mưu tổ chức các ngày hội văn hóa, thể thao của huyện... Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Trung tâm nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy; xây dựng quy chế hoạt động; phân công nhiệm vụ cho từng cán bộ, viên chức theo khả năng, sở trường...

Là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số chung sống, chủ yếu là đồng bào Mông, việc đưa thông tin đến người dân của những người "làm báo" ở Bắc Yên không hề đơn giản. Nói về chuyện nghề, Phó Giám đốc Trung tâm TT-VH Đinh Mai Sao chia sẻ: Ở Bắc Yên, tỷ lệ hộ dân được xem truyền hình không cao, chủ yếu là nghe Đài Tiếng nói Việt Nam và chương trình truyền thanh của đơn vị. Chính vì vậy, Trung tâm cố gắng thực hiện truyền dẫn sóng truyền hình; sản xuất trang truyền hình cơ sở cộng tác với Đài PT-TH tỉnh; tập trung sản xuất các chương trình truyền thanh, nhất là chương trình tiếng Mông. Những chương trình truyền thanh này giúp ích rất nhiều trong việc chuyển tải thông tin đến bà con kể cả trong khi làm nương rẫy hay lúc nghỉ trưa, nghỉ tối…

Trong những chuyến công tác tại các xã vùng cao, các “nhà báo” huyện còn là tuyên truyền viên, vận động, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; không tảo hôn, không kết hôn cận huyết thống; ăn ở hợp vệ sinh… Trung tâm đã lắp đặt trên 70 cụm loa truyền thanh tại các xã, bản; trung bình một năm sản xuất 5 chương trình truyền thanh phát bằng tiếng phổ thông và tiếng Mông (xây dựng và phát 3 chương trình tiếng Mông/tuần). Riêng các trạm truyền thanh phát 1 giờ/ngày (phát sáng và tối). Ngoài sản xuất 2 trang truyền hình cơ sở phát trên sóng Đài PT-TH tỉnh, các phóng viên còn tích cực tham gia cộng tác với Báo Sơn La, các cơ quan báo chí Trung ương.

Anh Hạng Chờ La gắn bó với nghề báo nơi này gần 12 năm tâm sự: Đi công tác các xã, nhất là vào mùa mưa khổ lắm, vác máy, cuốc bộ, lội suối là chuyện thường. Bù lại, người dân dành cho tình cảm như người thân. Tôi có nhiều lợi thế hơn các đồng nghiệp vì hiểu được phong tục, tập quán của đồng bào, việc tác nghiệp, nắm tâm tư nguyện vọng bà con, chuyển tải chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng thuận lợi hơn. Ngoài hoạt động phóng viên, tôi còn tham gia biên tập, biên dịch, sản xuất các chương trình truyền thanh tiếng Mông phục vụ nhu cầu nghe đài của bà con.

Không quản ngại khó khăn, vất vả, những người làm báo ở Bắc Yên vẫn đam mê, sáng tạo, góp sức chuyển tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến nhân dân, nắm bắt tình hình thực tế ở cơ sở phản ánh qua các tác phẩm báo chí giúp cấp ủy, chính quyền huyện định hướng đầu tư phát triển kinh tế - xã hội phù hợp từng vùng, từng địa bàn, góp phần xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững nơi vùng cao xa xôi.

Khải Hoàn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới