Ký ức Chiềng Bằng

Chiềng Bằng - hơn một thập kỷ sau cuộc “đại di dân”, vựa lúa của huyện Quỳnh Nhai ở thế kỷ XX nay trở thành trung tâm nuôi trồng thủy sản tầm cỡ của tỉnh. Chiềng Bằng hôm nay trở thành một mẫu hình nông thôn mới bên hồ thủy điện Sơn La trong xanh, cuộc sống nơi ở mới đã tốt hơn nhiều lần so với nơi ở cũ...

 Bản Bó Ban, xã Chiềng Bằng đã ổn định đời sống và sản xuất.   

 

Cách đây hơn 10 năm, chúng tôi đến để ghi lại những hình ảnh cuối cùng trước khi Chiềng Bằng ngập trong lòng hồ thủy điện Sơn La. Đêm trung tuần tháng chạp, tôi cùng anh bạn đồng nghiệp bên nhau đi trên con đường nhỏ bên dòng suối Muội (bản Pom Sinh, xã Chiềng Bằng); làn gió se lạnh từ sông Đà thổi vào, tiếng kẽo kẹt của những chiếc cọn miệt mài đổ nước vào những thửa ruộng vừa được cày ải cho vụ lúa cuối cùng, anh bạn đồng nghiệp thốt lên: thơ mộng quá! Câu nói của anh khiến tôi nhớ lại một thời gắn bó với mảnh đất này qua những chuyến đi thực tế, những tấm ảnh về quang cảnh ngày mùa của bà con bản trên, bản dưới hai bên bờ suối Muội; con suối Muội đã tắm mát cho đất và người Chiềng Bằng hàng nghìn đời nay, cho họ cơm ngon, nước ngọt, cá thơm... Cho đến trước ngày thủy điện Sơn La chuẩn bị tích nước, cả Chiềng Bằng vào chiến dịch di dân, chỉ trong vòng vài tháng, hơn 1.000 hộ dân đã được di chuyển ra khỏi vùng ngập an toàn... Trong chuyến ra đi ấy, chắc hẳn không ít người trăn trở, từ khi sinh ra đã gắn bó với dòng suối Muội.

Vốn bản chất cần cù và sáng tạo, người dân Chiềng Bằng bắt tay ngay vào gây dựng cuộc sống trên vùng đất mới với bao bộn bề, gian khó. Sau khi dành toàn bộ vùng đất phì nhiêu cho lòng hồ thủy điện Sơn La, Chiềng Bằng chỉ còn lại 2.490 ha đất nông nghiệp, chiếm trên 53% tổng diện tích đất tư nhiên của toàn xã; bình quân mỗi hộ gần 2 ha đất nông nghiệp, chủ yếu là đất nương, bãi; còn lại là đất phi nông nghiệp. Với một xã thuần nông như Chiềng Bằng thì để ổn định và nâng cao đời sống cho người dân là một bài toán khó.

Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) chính là hướng đi cho Chiềng Bằng thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng làm thế nào để hiện thực hóa nghị quyết, chương trình của Đảng thành hiện thực? Vận dụng kinh nghiệm từ cuộc vận động cho chiến dịch di dân, Đảng bộ xã Chiềng Bằng đã khơi dậy tinh thần tiên phong, gương mẫu của các đảng viên trong cuộc chiến xóa đói nghèo, xây dựng quê mới; mở đợt sinh hoạt chính trị tư tưởng cho hơn 400 đảng viên ở 30 chi bộ trong toàn Đảng bộ, trong đó trọng tâm là 24 chi bộ bản và các tổ chức đoàn thể, học tập, triển khai các nghị quyết của Đảng và Chương trình xây dựng NTM của Chính phủ. Tiến hành rà soát 19 tiêu chí ở địa phương, dự kiến xây dựng kế hoạch... Sau khi thấu suốt về tư tưởng, từng chi bộ đã họp dân để bàn bạc cách làm, hướng đi. Cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của huyện và các ban, ngành, Đảng bộ xã đã ra Nghị quyết 40-NQ/ĐU về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 và đến năm 2020; UBND xã ban hành các quyết định về thành lập Ban chỉ đạo, tổ tuyên truyền, ban quản lý, ban phát triển xây dựng NTM ở 24/24 bản... Đến nay, xã đã đạt 19/19 tiêu chí, 39/39 chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân 22 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống 10,9%. Toàn xã có 11 hợp tác xã thủy sản với 174 thành viên, phát triển 966 lồng cá; hơn 100 hộ kinh doanh dịch vụ; 97,46% số lao động có việc làm thường xuyên. Xã đã được đầu tư hơn 16 tỷ 880 triệu đồng để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng; hơn 55 km đường nội bản, ngõ xóm được bê tông hóa; kiên cố hóa hơn 9,6 km kênh mương; 90% số hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 97% số hộ được sử dụng điện. 20/24 bản văn hóa; 76% số hộ đạt gia đình văn hóa; 100% các cơ quan đơn vị đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh, trật tự...

Đồng chí Lò Văn Thủy, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Đảng bộ chọn công tác tư tưởng là khâu đột phá, thu hút được cán bộ, đảng viên và nhân dân trong xã đồng tình ủng hộ chương trình xây dựng NTM; trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai, các chương trình được kiểm tra, giám sát, tạo sức mạnh và sự đồng thuận nên khi đưa ra những mục tiêu phấn đấu được nhân dân đồng tình ủng hộ. Như việc đóng góp tiền xây dựng các công trình công cộng được nhân dân ủng hộ cao, nhất là tu sửa, xây dựng mới đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà văn hóa... Trong quá trình xây dựng NTM, xã Chiềng Bằng không có tình trạng nợ đọng.

Trong bước đường đi tới, Đảng bộ và nhân dân xã Chiềng Bằng tiếp tục phấn đấu giữ vững các tiêu chí về NTM, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và nghị quyết đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020; thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với phát triển kinh tế, kết hợp, lồng ghép các nguồn vốn, các chương trình, dự án của Nhà nước với nguồn vốn tự có, các nguồn vốn vay thông qua ủy thác của các đoàn thể với ngân hàng... tạo mọi điều kiện để nhân dân tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện Sơn La và tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm; áp dụng khoa học kỹ thuật phát triển mạnh cây ăn quả trên đất dốc; khuyến khích bà con sản xuất giống gia cầm chất lượng cao; chuyển đổi và mở rộng các ngành nghề như làm nước mắm, đóng thuyền; hình thành làng du lịch sinh thái, tạo việc làm và tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; góp sức cùng nhân dân các dân tộc xây dựng huyện Quỳnh Nhai ngày càng phát triển.

Nguyễn Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới