Kịp thời khắc phục sự cố, thông tuyến nhanh nhất mùa mưa lũ

Dự báo năm 2022, thời tiết diễn biến rất phức tạp và khó lường, nhất là các loại thiên tai như dông lốc, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất... Sở Giao thông - Vận tải đã xây dựng các kế hoạch, để chủ động phòng, chống, ứng phó và khắc phục sớm hậu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh Sơn La có tổng chiều dài 18.608 km; trong đó, quốc lộ trên 884km, tỉnh lộ gần 960km, đường huyện trên 2.000km, đường xã gần 5.600km, đường đô thị 242km, đường chuyên dùng 309km. Ngoài ra, còn có 8.565km đường bản, thôn xóm và đường trục chính nội đồng. Mùa mưa lũ năm ngoái, đã xảy ra 16 đợt mưa, trong đó có 8 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng. Mưa lớn gây ra lũ ống, lũ quét xói trôi nền, mặt đường; hư hỏng cầu, cống; sụt lở, sa bồi gây ách tắc giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện và đường xã. Mưa lũ đã làm hư hỏng 68 cầu, cống; gần 87.000m³ nền, mặt đường; 19 vị trí sụt lở gây ách tắc giao thông... gây thiệt hại gần 80 tỷ đồng.

             

Thi công nâng cấp tuyến đường quốc lộ 279 - xã Cà Nàng, huyện Quỳnh Nhai.

             

Ông Nguyễn Văn Chính, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Ngay từ đầu năm, Sở đã chỉ đạo các nhà thầu bảo dưỡng xác định rõ các điểm xung yếu, vị trí có nguy cơ sạt lở cao, các vị trí thường xuyên ngập úng để bố trí dự phòng phương tiện, vật tư, vật liệu, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo khắc phục thông tuyến nhanh nhất khi có ách tắc giao thông xảy ra; thường xuyên giữ liên lạc với các đơn vị thi công xây dựng đóng trên địa bàn các huyện, thành phố để được hỗ trợ máy móc, thiết bị trong trường hợp khối lượng thiệt hại lớn xảy ra...

             

Đồng thời, Sở tổ chức duy trì chế độ trực 24/24 giờ theo dõi, nắm bắt diễn biến khí hậu thời tiết qua các phương tiện thông tin đại chúng, các bản tin cảnh báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Bắc; kịp thời thông tin, truyền tải đến các đơn vị, các doanh nghiệp bảo dưỡng nắm bắt, chủ động kiểm tra các nội dung phương án ứng phó theo các đợt mưa; ứng dụng mạng xã hội để nắm bắt thông tin, chỉ đạo, giải quyết; tăng cường công tác kiểm tra phát hiện và tổ chức xử lý sụt lở, sa bồi, khắc phục hư hỏng công trình. Tăng cường phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Cục Quản lý đường bộ 1 nắm bắt kịp thời thông tin, tình hình thiệt hại, tổ chức ứng cứu, hỗ trợ các đơn vị quản lý đường bộ và nhà thầu xây dựng cơ bản khi được yêu cầu, khắc phục kịp thời các thiệt hại do mưa lũ trên đường địa phương và quốc lộ 6, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường, không để xảy ra ách tắc kéo dài.

             

Các đơn vị trực thuộc Sở GTVT chủ động điều chỉnh bổ sung phương án PCTT & TKCN, trong đó xác định rõ các điểm xung yếu thường xuyên ách tắc giao thông trên quốc lộ, đường tỉnh để bố trí các thiết bị thi công và chuẩn bị dự phòng các vật tư, vật liệu, thiết bị... sẵn sàng khắc phục sự cố nhanh nhất. Duy trì và tăng cường thường trực 24/7, tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường để kịp thời thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về Ban Chỉ huy phòng chống lũ bão ngành GTVT và các cấp; tập trung sửa chữa hư hỏng, khôi phục các công trình thoát nước, thanh thải dòng chảy, đào vét rãnh thoát nước; sửa chữa phương tiện vượt sông, đường lên xuống phà... Duy trì kiểm tra đôn đốc các nhà thầu thi công thực hiện tốt công tác đảm bảo giao thông. Cùng với đó, Sở GTVT đang tích cực đôn đốc chủ đầu tư, nhà thầu thi công tập trung xây dựng các hạng mục công trình xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng của mưa lũ, như thi công dứt điểm nền đường, gọn phần mặt đường và công trình thoát nước trước mùa mưa...

             

Mùa mưa lũ năm 2021, Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị huy động mọi nguồn lực để khắc phục toàn bộ khối lượng thiệt hại, đảm bảo thông xe trên toàn tuyến. Đã xử lý sạt lở 471m ta luy âm; hót trên 167.000m³ đất, đá sụt, sa bồi; sửa chữa hư hỏng trên 21.000m² nền, mặt đường; sửa chữa 75 công trình hư hỏng, 54m rãnh dọc, với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng.

             

Chủ động trước mùa mưa lũ năm nay, Sở GTVT đang rà soát, bổ sung vật tư, thiết bị dự phòng để ứng cứu kịp thời khi có ách tắc xảy ra; xây dựng phương án chi tiết, phân luồng đảm bảo giao thông trên các tuyến đường; bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo phòng chống lụt bão; tăng cường tuần kiểm tra, kiểm tra... khắc kịp thời những thiệt hại khi có mưa lũ xảy ra, góp phần đảm bảo an toàn cho người dân.

Huyền Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới