Kinh tế xanh – hướng đi phù hợp và thiết thực trong bối cảnh hiện nay

Điều này được khẳng định trong Diễn đàn “Doanh nghiệp tiên phong đổi mới công nghệ phát triển kinh tế xanh bền vững” do Báo Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổng cục Môi trường tổ chức ngày 28/5, tại Hà Nội.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa đã khẳng định, trong bối cảnh tài nguyên đang dần cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét thì nhiều quốc gia lựa chọn kinh tế xanh là mô hình phát triển mới để giải quyết đồng thời những vấn nạn đang tiếp diễn phức tạp. Mô hình kinh tế mới này ghi nhận giá trị và vai trò của đầu tư vào vốn tự nhiên, tạo ra việc làm, là trụ cột để giảm nghèo. Thay vì sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nền kinh tế xanh sử dụng năng lượng tái tạo và công nghệ các bon thấp, khuyến khích sử dụng nguồn lực và năng lượng hiệu quả hơn.

Đông đảo đại biểu tham dự Diễn đàn (Ảnh: Báo Tài Nguyên và Môi trường)


Theo bà Hoa, các doanh nghiệp cần tăng cường năng lực về đổi mới công nghệ và tính cạnh tranh của công nghệ xanh trong nước cũng như trên trường quốc tế. Thực tế cho thấy, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền Kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ chưa từng thấy đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối với các nước đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước nhảy vọt để phát triển kinh tế mà không theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau”, “kinh tế nâu”.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đánh giá, đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh là hướng đi đúng và phù hợp với xu thế phát triển mới của doanh nghiệp hiện nay. Trong bối cảnh Hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, nhất là tới đây Việt Nam tham gia Hiệp định tự do thương mại với châu Âu và Hiệp định xuyên Thái Bình Dương - TPP, nếu doanh nghiệp sớm đổi mới công nghệ phù hợp với các tiêu chuẩn cao của thế giới, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường khu vực và toàn cầu.

TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhán mạnh, kinh tế xanh là xu thế toàn cầu và Chính phủ các nước đã có chiến lược phát triển kinh tế xanh, yêu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi phải sử dụng nó một cách bền vững. Trong đó, kinh tế xanh đòi hỏi sử dụng tiết kiệm năng lượng, sử dụng tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm hơn để khấu hao sản xuất ít hơn; phương thức sản xuất và phương thức tiêu dùng thân thiện hơn với cuộc sống và môi trường. Tuy nhiên để làm được điều đó, cần phải đổi mới chu trình sản xuất, cách thức quản lý và đổi mới công nghệ, từ đó, tạo ra những ngành nghề mới, cơ hội mới cho doanh nghiệp.

Cũng tại diễn đàn, các doanh nghiệp đã cùng nhau trao đổi về tầm quan trọng của việc nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới; đồng thời chia sẻ những thành tựu mà doanh nghiệp đã đạt được, cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình tìm kiếm, đổi mới công nghệ.

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, việc đổi mới công nghệ yêu cầu chi phí lớn nên Nhà nước đã có nhiều chính sách và hình thức hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ hướng tới kinh tế xanh như hỗ trợ từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, hỗ trợ từ Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020, hỗ trợ từ Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh vẫn là vấn đề thách thức đối với những nước đang phát triển như Việt Nam.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới