Kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững

Qua 5 năm thực hiện các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, trọng tâm là tạo mối liên kết giữa Nhà nước - doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học; khuyến khích và hỗ trợ thành lập các HTX nông nghiệp; ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn; tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp; thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản; quảng bá tiêu thụ và xuất khẩu nông sản... Những quyết sách đúng, trúng và quyết tâm mạnh mẽ đã tạo cho ngành nông nghiệp tỉnh ta có bước tiến vượt bậc, trở thành điểm sáng của ngành nông nghiệp cả nước.

 

 

 

Các đại biểu cắt băng khởi hành lô xoài xuất khẩu sang Mỹ tại huyện Mai Sơn.                                                    

Ảnh: PV

                 

Chia sẻ về sự phát triển của ngành nông nghiệp Sơn La trong những năm qua, ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phấn khởi: Từ sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành, sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, nhiều chính sách về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đi vào cuộc sống. Toàn ngành đã triển khai đồng bộ các chủ trương phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, đặc biệt là thực hiện nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XIV về: “Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa”. Cùng với đó là sự đồng lòng từ phía người dân đã nỗ lực, đoàn kết, vượt qua khó khăn, góp phần đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

 

 

 

Khách mua nông sản an toàn Sơn La tại siêu thị Big C (Hà Nội).

Ảnh: PV

                 

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh đã được ban hành và triển khai thực hiện hiệu quả, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chủ trương chuyển đổi từ trồng cây lương thực kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc; thực hiện cải tạo vườn tạp, nâng cao năng suất, chất lượng vườn quả bằng việc ghép cải tạo giống mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; đưa các giống cây ăn quả vào sản xuất, như: Nhãn chín muộn, xoài Đài Loan, mận, chanh leo, bơ, hồng giòn, cam, bưởi... đã đem lại hiệu quả rõ rệt, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi tư duy và phương thức sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập và đời sống của người dân. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, tăng diện tích cây ăn quả, cây công nghiệp, giảm diện tích cây hàng năm kém hiệu quả. Các cây trồng chủ lực được đầu tư, gắn với tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ước thực hiện đến năm 2020, diện tích cây ăn quả và cây sơn tra toàn tỉnh đạt hơn 80.500 ha, tăng 311% so với năm 2015, đạt 400% mục tiêu kế hoạch và là tỉnh có diện tích cây ăn quả lớn thứ hai cả nước, gồm: Nhãn, xoài, chuối, na, chanh leo, bơ, cây ăn quả có múi, mận, sơn tra, cây ăn quả khác. Diện tích cây công nghiệp lâu năm tiếp tục phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó, mía 8.870 ha, chè 5.158 ha, cà phê 17.202 ha. Có 144 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn; xuất khẩu được 16 mặt hàng nông sản sang thị trường 12 nước, gồm: Trung Quốc, Úc, EU, Mỹ, Nhật... Chăn nuôi được quan tâm phát triển cả về quy mô và chất lượng. Diện tích, sản lượng nuôi và đánh bắt thủy sản đều tăng do ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; nhiều mô hình nuôi thủy sản là đặc sản có hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng; tiếp tục phát huy tiềm năng địa lý, khí hậu để phát triển cá nước lạnh (cá tầm, cá hồi)...

                 

Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đảm bảo các sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong những năm gần đây. Tỉnh ta đã tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ các hộ dân ghép cải tạo hàng chục nghìn ha cây ăn quả; nhân giống bằng phương pháp cấy mô tế bào các loại hoa hồng, hoa lan, hoa tulip Hà Lan... Lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, béc phun tiết kiệm nước gần 500 ha hoa, dược liệu, nấm, cà phê, chè, cây ăn quả, rau các loại. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đã ứng dụng phát triển công nghệ chuồng kín, công nghệ tự động hóa toàn bộ hoặc một số khâu trong chăn nuôi trang trại tập trung.

 

 

 

Những vùng chuyên canh cây ăn quả của Mai Sơn.

Ảnh: PV

                 

Đặc biệt là tỉnh ta đã triển khai chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu, như: Nhà máy chế biến sữa, Nhà máy chế biến đường, Nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê, 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn, Nhà máy chế biến chanh leo, rau, củ, quả xuất khẩu, Nhà máy chế biến cao su Sơn La và Nhà máy Chế biến rau củ quả sấy khô của tập đoàn ICFOOD... Đến nay toàn tỉnh đã có 119 chuỗi nông sản, gồm: Rau, quả, cà phê, chè, thịt lợn, thủy sản và mật ong an toàn; có hơn 9.780 ha cây trồng áp dụng VietGAP, GloboGAP; 18 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ và đã có thương hiệu, như: Chè shan tuyết Mộc Châu, quả xoài tròn Yên Châu, chè Ô Long Mộc Châu, chè Tà Xùa Bắc Yên, rau an toàn Mộc Châu, cà phê Sơn La, nhãn Sông Mã, cam Phù Yên... Bên cạnh đó, tỉnh ta đang triển khai thực hiện sản xuất 11 sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại các huyện, thành phố và được nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình hưởng ứng...

                 

Công tác quảng bá, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông lâm sản trên địa bàn tỉnh được quan tâm. Từ năm 2017 đến nay, đã có trên 100 sự kiện quảng bá hàng nông sản Sơn La được tổ chức với các quy mô khác nhau. Tiêu biểu là Lễ hội hái quả mận Mộc Châu; Ngày hội nhãn Sông Mã; Ngày hội xoài Yên Châu... Các Tuần nông sản an toàn Sơn La tại Hà Nội và các tỉnh: Lào Cai, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh... đã tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp có kinh nghiệm, có đối tác liên kết với các doanh  nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất của tỉnh Sơn La để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản. Nhờ đó, nhiều nông sản của tỉnh không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều quốc gia như: Trung Quốc, Mỹ, Anh, Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản... Tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 ước đạt gần 490 triệu USD, bình quân đạt gần 98 triệu USD/năm, tăng bình quân 5,3%/năm. Từ những kết quả đạt được trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đã tiếp thêm động lực thúc đẩy thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các xã. Ước đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tiêu chí bình quân đạt 13,5 tiêu chí/xã; Thành phố Sơn La được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

                 

Từ sản xuất manh mún, sản lượng thấp, chất lượng nông sản thấp, tỉnh Sơn La đã có bước phát triển ngoạn mục trong thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa Sơn La trở thành tỉnh có vùng cây ăn quả đứng thứ 2 của cả nước. Trước đây rất ít khách hàng biết đến các sản phẩm nông nghiệp của Sơn La, giờ chỉ cần gõ cụm từ “Nông sản Sơn La” trong vòng 1 giây trên trang Google đã hiển thị ít nhất 58.500.000 kết quả tìm kiếm về cụm từ này, nhất là đối với hoa quả và rau an toàn Sơn La. Việc phát triển vùng sản xuất đi đôi với cải thiện chất lượng sản phẩm và có những chính sách hỗ trợ sản xuất, quảng bá thương hiệu, chọn được các sản phẩm chủ lực để quảng bá là những chủ trương đúng, trúng và có hiệu quả kịp thời, đã góp phần  đưa lĩnh vực nông nghiệp trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của Sơn La.

 

Đình Thành
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới