Kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành quy định về kinh doanh vận tải đường bộ và đường thủy nội địa

Chiều 28/6, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm 2016, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Ảnh minh họa.

* Tai nạn giao thông tuy giảm nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng 

Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho thấy, 6 tháng đầu năm, tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí, tuy nhiên, không đạt mục tiêu về tỷ lệ giảm số người chết vì tai nạn giao thông. Từ ngày 16/12/2015 đến 15/6/2016, toàn quốc đã xảy ra 10.227 vụ tai nạn giao thông, làm 8.939 người bị thương, 4.362 người chết, giảm 116 người chết, tức chỉ giảm được 2,59%. 39 tỉnh, thành phố giảm số người chết vì tai nạn giao thông và 22 địa phương có số người chết vì tai nạn giao thông tăng, trong đó 12 tỉnh tăng trên 10% là: Lào Cai, Phú Thọ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Thành phố Hồ Chí Minh, Lạng Sơn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Tiền Giang, Cao Bằng, Cà Mau. Ba tỉnh: Tiền Giang, Cao Bằng và Cà Mau có số người chết tăng trên 30%. Đặc biệt, số người chết vì tai nạn giao thông trong tháng 5 và tháng 6 đều tăng so với cùng kỳ năm 2015. Một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng đã xảy ra, điển hình là hai vụ tai nạn xe khách tại Bình Thuận (ngày 22/5) và Lâm Đồng (ngày 4/6) làm 20 người chết và hàng chục người bị thương. 

Cùng với đó, tuyến đường thủy nội địa cũng đã xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, gây bức xúc trong dư luận xã hội, như các vụ tai nạn cầu An Thái - Hải Dương, cầu Ghềnh - Đồng Nai, lật tàu khách du lịch Thảo Vân 2 tại Đà Nẵng. Trong số 176 vụ việc và sự cố uy hiếp an toàn bay, một sự cố uy hiếp an toàn hàng không cao mức B đã xảy ra tại Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, khi tàu bay của hãng Angkor Air (Campuchia), chuyến bay K6818 ngày 2/4, bị xông ra ngoài đường băng lúc hạ cánh. 

Công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc tuy đã được tăng cường, song vẫn còn diễn biến phức tạp, vi phạm phổ biến là chuyển làn không báo hiệu, không giữ khoảng cách an toàn giữa các xe, xe đi tốc độ thấp không đi đúng làn đường. Hiện tượng phương tiện dừng, đón trả khách trái quy định; người đi bộ, phương tiện tham gia giao thông trái phép; người dân phá rào, vượt hộ lan để kinh doanh trái phép... tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Tình trạng phương tiện đường bộ chở quá tải trọng chưa được xử lý dứt điểm; phương tiện kinh doanh vận tải hoạt động không có giấy phép, người điều khiển phương tiện không có bằng lái, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; hiện tượng bảo kê uy hiếp, hành hung đối thủ cạnh tranh... còn tồn tại và diễn biến phức tạp trên một số tuyến vận tải hành khách bằng xe ô tô; tái diễn hiện tượng ném đá lên xe ô tô, hiện tượng rải đinh và vật sắc nhọn trên một số tuyến đường bộ. 

*Nguyên nhân chủ yếu do ý thức chưa tốt 

Nguyên nhân bao trùm khiến số người chết vì tai nạn giao thông còn cao và ở một số địa phương, số người chết vì tai nạn giao thông tăng cao hơn cùng kỳ năm trước, được các đại biểu lý giải tại Hội nghị, là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao. Còn tình trạng buông lỏng trong quản lý nhà nước về an toàn giao thông đối với kết cấu hạ tầng, kinh doanh vận tải, kỹ thuật phương tiện trên đường bộ và đường thủy nội địa. 

Là tỉnh tai nạn giao thông tăng đột biến cả 3 tiêu chí với 232 vụ, 134 người chết, 158 người bị thương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cho biết nhu cầu giao thông tăng cao trên tuyến quốc lộ 1A (trong vòng 24 giờ có 79.000 lượt xe mô tô và 50.000 lượt xe con quy đổi tham gia giao thông), ý thức tuân thủ pháp luật của người dân chưa tốt, còn bất cẩn, việc kiểm soát trật tự an toàn giao thông chưa khép kín địa bàn là những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông tăng cao. 

Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng, nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai quy định, điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận lái xe xuống cấp, công tác tuần tra của lực lượng chức năng chưa thường xuyên trong khi các chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Đại diện của Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng số vụ và số người chết vì tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố tăng là do phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng kịp. Phân tích các trường hợp chết do tai nạn giao thông cho thấy giao thông bộ hành chiếm hàng thứ ba. Số người đi bộ chết vì tai nạn giao thông do đi không đúng phần đường mỗi năm lên đến 100 người và đang có chiều hướng tăng. 

* Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông 

Kết luận Hội nghị, ghi nhận những kết quả đạt được trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng điều đó thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện quyết liệt Chỉ thị 18 của Ban Bí thư, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và các giải pháp trong Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2016 với chủ đề “Xây dựng văn hoá giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”. 

Phó Thủ tướng biểu dương các Bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban An toàn giao thông các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, An Giang và Trà Vinh đã giảm trên 30% số người chết do tai nạn giao thông. Phó Thủ tướng cho rằng trong 6 tháng cuối năm, cả hệ thống chính trị cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong Kế hoạch 594 triển khai Năm An toàn giao thông 2016 và Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông quý III/2016. Đồng thời, các ngành, địa phương thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong tình hình mới; tiếp tục thực hiện siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện; tăng cường kiểm tra chặt chẽ việc chấp hành các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đường bộ và đường thủy nội địa, nhất là hoạt động vận tải hành khách; xử lý dứt điểm tình trạng chở hàng quá tải trọng quy định đối với xe ô tô và phương tiện thủy. 

Phó Thủ tướng nêu rõ cần tăng cường phối hợp giữa các ngành ở Trung ương và địa phương trong ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và nâng cao chất lượng công tác báo cáo, thống kê, phân tích nguyên nhân tai nạn giao thông. Các ngành, địa phương triển khai xử lý dứt điểm các điểm đen thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông trên đường bộ trong năm 2015 và đầu năm 2016; lập các đề án, dự án về tăng cường an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng đường bộ giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương để đạt mục tiêu kéo giảm từ 5-10% số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông trong cả năm 2016, giảm số vụ ùn tắc giao thông cũng như ngăn chặn các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng./. 

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới